Massage cho bé là khoảng thời gian thú vị để mẹ và bé gắn kết. Nên massage cho trẻ sơ sinh trước hay sau khi tắm cũng là điều mà nhiều mẹ băn khoăn. Vậy thời điểm nào sẽ thích hợp hơn? Buona sẽ cùng mẹ tìm hiểu trong bài viết.
1/ Nên massage cho trẻ sơ sinh trước hay sau khi tắm?
Massage là động tác dùng tay vuốt ve cơ thể bé một cách nhẹ nhàng, giúp bé thư giãn. Mẹ có thể massage bụng, với cả mắt cá chân, cổ tay và ngón tay của bé.
Massage cho trẻ sơ sinh trước hay sau khi tắm đều được. Điều này sẽ tuỳ thuộc vào mục đích, loại dầu hay kem dưỡng mẹ dùng để massage và tình trạng da của trẻ. Như massage trước khi tắm sẽ có tác dụng làm sạch tốt hơn, còn massage sau khi tắm sẽ giúp dưỡng ẩm.
Massage cho trẻ sơ sinh trước khi tắm
Mẹ nên massage cho trẻ sơ sinh trước khi tắm nếu muốn làm sạch da chết, bụi bẩn, bã nhờn và tạo lớp màng bảo vệ da bé, hạn chế tác động của chất hóa học có trong sữa tắm sau đó.
Hay khi mẹ muốn sử dụng dầu oliu, dầu mù tạt, bơ sữa trâu. Những loại dầu này có hàm lượng axit oleic cao nên có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ da nếu lưu lại trên da, đặc biệt với những làn da khô, nhạy cảm hoặc bị chàm.
Lúc thời tiết nóng ẩm thì mẹ cũng nên ưu tiên việc massage trước. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng về điều này nhưng một số chuyên gia tin rằng lượng dầu còn sót lại, thường ở các nếp gấp trên da bé có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông trong thời tiết nóng ẩm, chảy nhiều mồ hôi. Ngoài ra, nó có thể làm trẻ phát ban do nhiệt.
Massage cho trẻ sơ sinh sau khi tắm
Chúng ta nên massage cho trẻ sơ sinh sau khi tắm để giữ ẩm cho da, các dưỡng chất có trong dầu massage được hấp thụ tốt, bé thư giãn và ngủ ngon hơn.
Hoặc với những bé có làn da khô, bị bệnh chàm, việc dùng một loại kem dưỡng ẩm, lotion không mùi để massage cho bé sau khi tắm sẽ có tác dụng dưỡng ẩm và bảo vệ tốt. Nếu dùng trước khi tắm, chúng sẽ bị rửa trôi và không còn tác dụng.
Bên cạnh đó, với những loại dầu dịu nhẹ (dầu dừa, dầu hướng dương…) thì việc massage sau khi tắm sẽ giúp dưỡng ẩm cho làn da của trẻ nhưng không gây bí.
Đặc biệt, khi bé bị ốm nhẹ hay thời tiết lạnh thì mẹ cũng có thể lựa chọn massage nhẹ nhàng cho bé khi mặc quần áo. Kiểu massage này có thể trở thành một phần trong thói quen đi ngủ tốt của trẻ, giúp bé bình tĩnh, thư giãn và ngủ ngon.
Như vậy, chúng ta có thể massage cho trẻ sơ sinh cả trước và sau khi tắm đều được. Nhưng để hiệu quả thì mẹ hãy lựa chọn đúng với mục đích và loại dầu sử dụng cho con mẹ nhé!
2/ Tác dụng khi massage cho trẻ sơ sinh là gì?
Nghiên cứu năm 2004 cho thấy, trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt khi được massage sẽ ít có thời gian nằm viện hơn, đạt điểm số có phần cao hơn trong các bài kiểm tra phát triển và hạn chế biến chứng sau sinh.
Hiện nay, việc massage cho trẻ sơ sinh tại Việt Nam cũng trở nên phổ biến hơn. Điều này giúp tăng sự gắn kết, tương tác giữa mẹ và bé. Bé yêu mẹ hơn, và dần dần sẽ kích thích trẻ phát triển tâm lý xã hội tích cực hơn. Mẹ cũng tự tin hơn trong việc nhận ra và xử lý các nhu cầu của trẻ.
Các động tác massage sẽ giúp bé có cơ thể trẻ dẻo dai, săn chắc, khoẻ mạnh hơn, tăng nhận thức của trẻ về cơ thể của mình. Con được thư giãn, dễ chịu, tăng cường tuần hoàn, bé duy trì nhịp thở đều, bớt cáu gắt, cải thiện giấc ngủ, từ đó cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho mẹ.
Khi massage trên một vị trí cụ thể, như khi ở bụng, nó sẽ giúp kích thích các cơ đường tiêu hoá, giảm đầy bụng, táo bón. Hay khi massage lưng sẽ hạn chế nguy cơ cảm lạnh, tiêu chảy & tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Massage mang lại không chỉ mang lại nhiều tác dụng cho trẻ mà còn tăng khả năng gắn kết của mẹ và bé. Vì vậy, hãy áp dụng điều này một cách thường xuyên mẹ nhé!
3/ Cách massage cho trẻ sơ sinh an toàn hiệu quả
Bên cạnh thời điểm nên massage thì cách massage cho trẻ thế nào cũng là điều mẹ nên lưu ý. Dưới đây là cách massage cho bé an toàn và hiệu quả mà mẹ có thể tham khảo và thực hành.
Trước hết, mẹ nên chọn thời điểm lúc trẻ còn tỉnh táo, không mệt mỏi, không đói hay không quá no, đang quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh.
Sau đó, mẹ thử ngồi trên sàn, giường hoặc ghế sofa bằng phẳng rồi đặt bé an toàn trên một chiếc khăn tắm. Nên tránh vị trí có đèn trên cao vì có thể làm bé chói mắt. Lựa chọn tư thế và vị trí thoải mái để mẹ có thể giao tiếp bằng mắt tốt với trẻ.
Lúc massage, trẻ có thể mặc tã, quần áo hoặc không. Nhưng hãy chọn không gian ấm áp, tránh gió và nới lỏng tã nếu massage bụng.
Tiếp đến, chúng ta nên “xin phép” trẻ trước khi bắt đầu. Bằng cách như xoa một ít dầu vào hai bàn tay và áp gần tai của bé, hỏi “mẹ có thể massage cho con được không?”. Đây là một cách làm quen để trẻ biết rằng việc massage sắp diễn ra.
Các động tác massage cho bé như sau:
- Massage đầu: nhẹ nhàng massage nhẹ nhàng đầu bé theo hình tròn. Sau đó dùng tay vuốt trán bé từ phía giữa trán sang 2 bên. Vẽ vòng tròn nhỏ xung quanh cằm bé
- Massage chân:
- Một tay nhẹ nhàng giữ một chân của bé trên lòng bàn tay, tay còn lại đặt quanh đùi trẻ rồi trượt dần về phía mắt cá chân. Đổi tay và thao tác tương tự với bên chân còn lại
- Một tay nhẹ nhàng giữ một chân của bé trên lòng bàn tay, dùng ngón tay cái vuốt ve lòng bàn chân trẻ từ gót chân đến từng ngón chân, rồi kéo nhẹ từng ngón chân
- Một tay nhẹ nhàng giữ một chân của bé trên lòng bàn tay, dùng ngón tay cái đi dọc 1/3 giữa lòng bàn chân từ bên này sang bên kia
- Kết thúc bằng cách một tay nhẹ nhàng giữ một chân của bé trên lòng bàn tay, tay còn lại đặt ở mắt cá chân trẻ rồi trượt dần về phía đùi. Đổi tay và thao tác tương tự với bên chân còn lại
- Massage tay: làm những vòng tròn nhỏ trên lòng bàn tay của trẻ. Sau đó kéo nhẹ từng ngón tay
- Massage bụng: dùng một tay xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ
- Masage lưng: đặt trẻ nằm trên bụng mẹ và xoa bóp xung quanh mông bé, hướng dần lên phía ngực và đi về phía vai
Mẹ nên kết hợp massage nhiều vị trí để trẻ được thoải mái nhất. Trẻ < 2 tháng nên massage trong 2-5 phút, trẻ 2-9 tháng nên massage trong 8-10 phút. Và khi trẻ lớn hơn 10 tháng, mẹ có thể thực hiện trong 10-15 phút nhé!
4/ Những lưu ý khi massage cho trẻ sơ sinh
Để quá trình massage trở nên thư giãn, đạt nhiều hiệu quả và an toàn với trẻ. Trước hết mẹ hãy lưu ý thực hiện điều này trong phòng ấm áp, kính gió. Cũng đừng quên cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch sẽ trước khi massage để an toàn cho làn da mỏng manh của con mẹ nhé!
Thông thường, chiều tối sẽ là thời điểm thích hợp nhất. Và nên lựa chọn lúc trẻ lúc còn tỉnh táo, khoảng 1h sau ăn, trước khi đi ngủ 1h hay giữa các cữ bú. Tránh massage lúc trẻ vừa ăn xong vì có thể làm trẻ khó tiêu hoá, hay khi trẻ bị sốt, cảm, ho, có vết thương hở trên da.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý không nên sử dụng bất kỳ loại dầu hay nước thơm nào cho tới khi trẻ được 1 tháng tuổi. Sau con lớn hơn, mẹ có thể sử dụng các loại dầu dịu nhẹ, an toàn và phù hợp với tháng tuổi.
Như vậy, nên massage cho trẻ sơ sinh trước hay sau khi tắm thì mẹ hãy cân nhắc dựa trên mục đích hướng tới, loại dầu mà mẹ sử dụng và tình trạng da của con. Nếu trẻ có vẻ không thích massage, hãy bắt đầu với thời gian ngắn rồi tăng dần lên. Trẻ sẽ cần thời gian để làm quen với điều này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.babycenter.in/x25009863/is-it-best-to-massage-my-baby-before-or-after-a-bath
- https://www.nct.org.uk/baby-toddler/everyday-care/baby-massage-tips-and-benefits