Bạn được chẩn đoán thiếu máu, vậy có nên truyền máu để bù đắp ngay lượng máu thiếu hụt không? Bạn chắc hẳn đã từng quan sát thấy rằng không phải ai thiếu máu cũng cần truyền máu. Buona sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về việc truyền máu, thiếu máu trong bài viết.
1/ Truyền máu là gì?
Truyền máu là một thủ thuật y tế phổ biến, trong đó bác sĩ sẽ lấy máu từ người hiến (có thể lấy sẵn từ trước) và truyền đến người cần máu qua đường tĩnh mạch (IV), thông qua một ống rất mỏng được đặt trực tiếp vào mạch máu.
Mặc dù chúng ta thường hiến máu toàn phần nhưng người nhận không phải lúc nào cũng nhận toàn bộ lượng máu. Thay vào đó, máu toàn phần thường được tách ra và người nhận có thể chỉ nhận tế bào hồng cầu, huyết tương hay tiểu cầu. Điều này giúp đơn vị máu toàn phần ban đầu có thể giúp được nhiều người, và người nhận máu vẫn nhận được phần họ cần.
Truyền máu toàn phần thường được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như chấn thương, phẫu thuật hoặc khi mất máu nghiêm trọng và cần được bổ sung máu nhanh chóng.
2/ Người thiếu máu có nên truyền máu không?
Không phải lúc nào người thiếu máu cũng nên truyền máu mà còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đôi khi người bệnh sẽ cần được truyền máu, nhưng phần lớn các trường hợp còn lại là không cần thiết. Hoặc trong một số ít trường hợp thì việc truyền máu lại là không đủ để điều trị bệnh mà sẽ cần tới các biện pháp điều trị chuyên sâu hơn.
Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ, thiếu máu được định nghĩa là khi chỉ số huyết sắc tố < 12,0 gram mỗi deciliter (gm/dl) ở nữ giới và và chỉ số huyết sắc tố < 13,5 gm/dl ở nam giới.
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% dân số trên toàn thế giới bị thiếu máu. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: mang thai, kinh nguyệt nhiều bất thường, chấn thương, phẫu thuật, ăn kiêng, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh máu khó đông, chảy máu trong, bệnh thận, rối loạn tuỷ xương, nhiễm trùng, ung thư và điều trị ung thư, thường xuyên xét nghiệm máu.
Nếu thiếu máu nhẹ, bạn thường chỉ cần nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống khoa học, cân bằng và đầy đủ các nhóm chất.
Nếu thiếu máu liên quan đến việc thiếu sắt, vitamin B12 hay folate thì bạn sẽ cần bổ sung thêm các vi chất cụ thể này để khôi phục quá trình sản xuất tế bào hồng cầu khoẻ mạnh. Các nhà khoa học khuyến nghị hạn chế truyền máu khi thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu cũng có thể là tác dụng phụ của một loại thuốc đang được dùng để điều trị tình trạng bệnh khác. Lúc này, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc thay đổi thuốc, thay đổi liều lượng thuốc để khôi phục lại chất lượng máu thay vì điều trị thiếu máu.
Khi thiếu máu bất sản, cơ thể ngừng sản xuất một số tế bào trong đó có hồng cầu thì người bệnh sẽ cần truyền máu hoặc thậm chí là ghép tuỷ xương.
Phương pháp truyền máu để điều trị thiếu máu sẽ phù hợp trong các dạng thiếu máu khác như: thiếu máu hồng cầu hình liềm, thalassemia, trường hợp cần bổ sung máu gấp như chấn thương, phẫu thuật.
3/ Chỉ định truyền máu trong những trường hợp nào?
Truyền máu bao gồm truyền máu toàn phần, truyền hồng cầu, truyền bạch cầu hay tiểu cầu. Tuỳ từng trường hợp thiếu máu cụ thể mà người bệnh sẽ được chỉ định có cần truyền máu hay không và truyền thành phần máu nào.
Truyền hồng cầu
Truyền hồng cầu thường được thực hiện khi người bệnh thiếu máu do lượng hồng cầu (RBC) trong máu thấp. Mức huyết sắc tố bình thường nằm trong khoảng 12-18g/dL. Khi chỉ số RBC này < 8g/dL thường sẽ được chỉ định truyền hồng cầu.
Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào các triệu chứng của bạn. Nếu thiếu máu do mất máu đột ngột thì bạn sẽ cần truyền máu ngay lập tức. Nhưng trong bệnh thiếu máu phát triển, diễn tiến chậm và cơ thể có thời gian thích nghi, nếu chỉ số RBC thấp nhưng bạn không bị chóng mặt, xanh xao hay khó thở thì bạn có thể không cần truyền máu.
Truyền tiểu cầu
Tiểu cầu là những mảnh tế bào trong máu, giúp làm đông máu và cầm máu khi cần thiết để cơ thể chúng ta không bị chảy máu. Khác với hồng cầu, tiểu cầu không có nhóm máu nên bạn có thể nhận tiểu cầu từ bất kỳ ai.
Truyền tiểu cầu thường được thực hiện khi một người có nguy cơ bị chảy máu nguy hiểm (số lượng tiểu cầu < 20.000/mcL máu), cần phẫu thuật hoặc đang chảy máu, người bệnh ung thư nếu tuỷ xương của họ không sản xuất đủ tiểu cầu. Nhưng nếu số lượng tiểu cầu thấp mà không có dấu hiệu chảy máu, bạn có thể chưa cần truyền tiểu cầu ngay.
Truyền huyết tương
Huyết tương là phần chất lỏng của máu, chứa các protein tham gia vào quá trình đông máu, các protein khác mang chức năng miễn dịch để chống lại nhiễm trùng…
Truyền huyết tương có thể được áp dụng với những bệnh nhân đang chảy máu và máu không thể đông lại như bình thường, bệnh nhân ung thư mắc chứng đông máu nội mạch lan toả (DIC).
Không phải lúc nào người bệnh thiếu máu cũng cần truyền máu, hay không phải truyền máu luôn giải quyết được việc thiếu máu. Do đó, bạn hãy đi khám và tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để sức khoẻ hồi phục tốt nhất.
4/ Các nguyên tắc khi truyền máu cần đặc biệt lưu ý
Truyền máu sẽ được diễn ra theo chỉ định và được thực hiện, theo dõi bởi bác sĩ, kỹ thuật viên y tế, và sẽ đảm bảo được tính an toàn. Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số lưu ý đặc biệt dưới đây để hiểu và dễ dàng tuân thủ hơn trong quá trình này.
Trước hết, các bác sĩ sẽ đưa ra quyết định truyền máu có thực sự cần thiết trong trường hợp thiếu máu của bạn không. Nếu cần sẽ là truyền loại nào, với thể tích bao nhiêu để đảm bảo máu được truyền đúng bệnh nhân, đúng loại máu, đúng thời điểm.
Kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà còn cần dựa trên đánh giá lâm sàng của bác sĩ. Không phải tất cả bệnh nhân thiếu máu nào cũng cần truyền máu mà chúng ta chỉ nên truyền máu khi lợi ích lớn hơn nguy cơ và không có lựa chọn thay thế thích hợp.
Trước khi truyền máu, bác sĩ cũng sẽ thảo luận với bạn về các rủi ro, lợi ích và các lựa chọn thay thế với bệnh nhân và cần được nhận sự đồng ý của họ.
Nguyên tắc truyền máu cơ bản được thể hiện trong sơ đồ truyền máu như sau:
Người bệnh sẽ được ưu tiên truyền cùng nhóm máu để tránh việc kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau và làm các hồng cầu ngưng kết.
Bên cạnh xác định đúng nhóm máu phù hợp cần truyền, kỹ thuật viên sẽ thực hiện thêm phản ứng chéo, trộn huyết thanh của người nhận với hồng cầu của người hiến, trộn huyết thanh của người hiến với hồng cầu của người nhận để đảm bảo chúng không ngưng kết với nhau. Những tai biến nghiêm trọng có thể xuất hiện cho người nhận máu nếu không được truyền nhóm máu thích hợp.
Trong trường hợp cấp cứu cần truyền máu mà không có đủ máu cùng nhóm, bệnh nhân sẽ được truyền nhóm máu khác, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là hồng cầu người cho không ngưng kết với huyết thanh người nhận.
Truyền máu cần diễn ra với tốc độ rất chậm, và thường được truyền với số lượng ít (< 250ml).
Sau khi truyền máu, người bệnh sẽ được theo dõi nhiệt độ, huyết áp… Nếu các chỉ số bình thường thì bạn sẽ được xuất viện. Và khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào (khó thở, sốt, ớn lạnh, sưng ở chỗ tiêm…) bạn sẽ cần tới bệnh viện hoặc gọi điện hỏi bác sĩ ngay tuỳ mức độ của triệu chứng.
Thiếu máu là một rối loạn về máu rất phổ biến. Người thiếu máu có nên truyền máu không thì không phải ai cũng cần truyền máu. Nếu thiếu máu nhẹ, bạn thường chỉ cần chú ý hơn vào chế độ ăn uống khoa học mà chưa cần truyền máu. Nhưng đôi khi, bạn lại cần can thiệp điều trị sâu hơn. Vì vậy, hãy yên tâm thăm khám và tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/blood-transfusions-anemia
- https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/blood-transfusion-and-donation/what-are-transfusions.html
- https://www.healthline.com/health/transfusion-reaction-hemolytic
- https://www.transfusionguidelines.org/transfusion-handbook