Dẫu biết rằng trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, nhưng việc trẻ 2 tháng tuổi ngủ li bì bỏ bú không tránh khỏi làm ba mẹ lo lắng. Điều này có ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ? Ba mẹ nên làm gì? Buona sẽ cùng mẹ tìm hiểu trong bài viết.
1/ Nguyên nhân trẻ 2 tháng tuổi ngủ li bì bỏ bú
Bắt nhịp được với giấc ngủ của trẻ sơ sinh là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của ba mẹ trong những tháng con mới chào đời này. Đôi khi, chúng ta có thể thấy trẻ 2 tháng tuổi ngủ li bì, bỏ bú. Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng này như:
Trẻ bị vàng da: làm trẻ lừ đừ, li bì hay buồn ngủ quá mức, bú kém hay bỏ bú. Nếu vàng da mức độ nhẹ và có thể theo dõi tại nhà, cha mẹ sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc. Như cho bé bú thường xuyên hơn, giúp tăng nhu động ruột và tăng lượng bilirubin được đào thải.
Bé bú không đủ sữa: nên việc ngủ nhiều hơn như một cách tiết kiệm năng lượng của trẻ. Để xác định bé có đang được bú đủ sữa hay không, mẹ hãy dựa trên cân nặng của trẻ có đạt chuẩn.
Trẻ bị nhiễm trùng hoặc bệnh nhẹ như cảm lạnh, làm bé mệt mỏi, lờ đờ và ngủ nhiều hơn.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, biểu hiện này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý như rối loạn hô hấp, bệnh tim, làm trẻ ngủ quá mức.
Trong những tháng đầu đời này, đặc biệt vói những ai lần đầu làm cha mẹ thì các dấu hiệu cả một vấn đề tiềm ẩn có thể bị bỏ qua. Do đó, mẹ nên nhờ sự trợ giúp của bác sĩ để làm rõ nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.
2/ Khi trẻ 2 tháng tuổi bỏ bú có lo ngại không?
Bé ngủ li bì, không đòi bú thường làm mẹ lo lắng. Tuy vậy, nếu thỉnh thoảng trẻ 2 tháng tuổi ngủ lâu hơn bình thường, qua cữ ăn thì không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng nếu con bỏ bú thường xuyên hoặc kèm theo các triệu chứng khác như giảm cân hoặc không tăng cân, sốt, ho, thở nhanh, co giật… thì ba mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để được thăm khám ngay.
3/ Trẻ 2 tháng tuổi ngủ như thế nào là bình thường?
Phần lớn trẻ 2 tháng tuổi sẽ ngủ 15-16 giờ/ngày và không ngủ liền một mạch, mỗi giấc chỉ khoảng 1-2 giờ. Trẻ thức dậy để bú và sau đó lại ngủ ngay là điều bình thường. Trẻ cũng có thể ngủ lâu hơn và đi bỏ qua cữ bú bình thường, nhưng không nên để trẻ nhịn ăn quá 4-5 giờ.
Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu và thói quen về giấc ngủ khác nhau. Một số có thể chỉ cần ngủ 11 giờ, trong khi có những bé sẽ cần tới 19 giờ mỗi ngày. Bé cũng có thể ngủ nhiều hơn hay ít hơn trong mỗi đợt ốm, hoặc khi lịch sinh hoạt bị thay đổi. Nếu trẻ vẫn phát triển chiều cao, cân nặng bình thường thì mẹ không cần lo lắng quá nhé!
4/ Cần làm gì khi trẻ 2 tháng tuổi ngủ li bì bỏ bú?
Nếu bé 2 tháng nhà bạn ngủ li bì, bỏ bú, giấc ngủ khác ngày thường, đặc biệt khi con đã ngủ liên tục quá 4-5 giờ thì trước hết mẹ cần đánh thức con dậy để bú, đảm bảo bé được cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng.
Nên đánh thức trẻ trong lúc con đang ở chu kỳ ngủ nông, với chuyển động nhanh của mắt bên dưới mí mắt đang nhắm, cử động tay và chân, mút tay, nét mặt thay đổi, cử động miệng, liếm môi, bồn chồn hoặc vặn vẹo nhiều.
Sau đó, mẹ nhẹ nhàng vuốt ve một bên má của trẻ để nhẹ nhàng gọi con dậy. Nếu điều này không có tác dụng, hãy thử ngọ nguậy các nhón chân, hoặc vuốt nhẹ lòng bàn chân trẻ.
Chúng ta cũng nên giảm độ sáng của đèn và giữ cho môi trường xung quanh yên tĩnh, nhiệt độ phòng thoáng mát vì quá nóng có thể làm bé buồn ngủ, mệt mỏi hơn.
Ngoài ra, nếu trẻ kèm theo một trong các triệu chứng: thở hổn hển hoặc khò khè, tiếng thở lớn, lỗ mũi phập phồng khi thở, vùng da xung quanh xương sườn lõm xuống khi thở, sốt, trẻ có thể đã hít/ chạm/ ăn phải chất độc hại thì mẹ cần đưa trẻ tới kiểm tra tại cơ sở y tế gần nhất.
Thói quen ăn, ngủ ở mỗi trẻ là khác nhau. Vì vậy, ba mẹ hãy quan sát để hiểu hơn về nhịp điệu sinh hoạt của con, sớm nhận ra điều gì là bình thường hay khác thường với con mình nhé! Hy vọng những chia sẻ trên đây cũng đã giúp mẹ trả lời được câu hỏi trẻ 2 tháng tuổi ngủ li bì bỏ bú có sao không, biết được nguyên nhân và hướng xử trí phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
- https://laleche.org.uk/sleepy-baby-why-and-what-to-do/
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322565