Nằm xuống là ngứa cổ ho một cách thường xuyên và bạn thường không cảm thấy khó chịu nào khác. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và nó có nguy hiểm không? Buona sẽ tìm hiểu cùng bạn trong bài viết.
1/ Nguyên nhân nằm xuống là ngứa cổ ho
Bình thường, nằm xuống cũng khiến bạn dễ ngứa cổ và ho hơn so với ở tư thế đứng. Nguyên nhân do luôn có một lượng dịch mũi đi ra đằng sau họng, bám vào thành họng và kích thích gây ngứa, rát họng. Ban ngày khi tỉnh, bạn nuốt nước bọt thường xuyên nên dịch này sẽ bị cuốn theo vào dạ dày. Nhưng ban đêm khi nằm, dịch vừa dễ bị đọng lại nơi cổ họng, vừa không bị cuốn đi nên rất dễ gây ho.
Mũi chúng ta luôn có một cơ chế bảo vệ tự nhiên bằng cách tiết một lớp dịch nhầy bao phủ trên niêm mạc, vừa để bảo vệ, dưỡng ẩm cho niêm mạc mũi, vừa như một lớp lọc không khí để bắt dính vi khuẩn, virus và bụi bẩn trong không khí trước khi chúng xuống phổi. Nên nếu thi thoảng bạn ho khi nằm ngủ vào ban đêm thì không có điều gì đáng lo ngại cả.
Tuy nhiên, nếu tình trạng xảy ra một cách thường xuyên thì bạn nên đi khám bác sĩ để loại trừ những nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn, làm tăng tiết dịch nhầy mũi như:
Viêm xoang: các ổ viêm kích thích tăng tiết dịch nhầy. Chúng không chỉ tập trung tại vùng xoang mũi mà còn di chuyển và đọng lại nơi thành họng, gây ngứa, ho. Viêm mũi xoang có thể kéo dài cấp tình trong khoảng 4 tuần, hoặc mãn tính hơn 3 tháng. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như đau đầu, đau nhức vùng mặt – trán, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng khi nuốt nước bọt.
Viêm phế quản: niêm mạc ống phế quản bị nhiễm trùng, sưng viêm nên làm giảm chức năng thông khí. Điều này cũng kích thích cảm giác ngứa họng và ho. Cần được điều trị sớm để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Viêm phổi: viêm phổi khiến dịch nhầy tích tụ trong các đường thở và làm cho quá trình hô hấp trở nên khó khăn. Chúng còn kích thích niêm mạc hô hấp, gây ngứa cổ, ho liên tục, nhất là trong tư thế nằm. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, tức ngực, ớn lạnh…
Hen suyễn: khi hen suyễn, niêm mạc ống phế quản sưng to nên thu hẹp đường thở, gây khó thở và những cơn ho khô. Chúng thường xuất hiện nhiều vào ban đêm nên làm người bệnh ngủ không ngon giấc, mệt mỏi. Nếu cơn ho xuất hiện thường xuyên thì bạn có thể đã mắc hen suyễn mãn tính.
Viêm họng: thường xảy ra vào lúc giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Hoặc do các tác nhân khác như virus, chất gây dị ứng, trào ngược dạ dày… Khi bị viêm họng, bạn thường ho khan, ngứa cổ, có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, sưng họng, đau đầu, sốt, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, hoặc ho có đờm.
Dị ứng: các tác nhân gây dị ứng cũng kích thích mũi tiết ra nhiều dịch nhầy hơn, từ đó gây ho khi nằm, ngứa cổ, hắt hơi, sổ mũi. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tống các tác nhân dị ứng ra ngoài. Một số dị nguyên gây dị ứng thường gặp như lông thú cưng, phấn hoa, thức ăn, một số mùi hương, chất hóa học…
Trào ngược dạ dày thực quản: thức ăn trong dạ dày bị trào ngược lên trên thực quản, kéo theo dịch và axit dạ dày nên không chỉ kích thích gây ho, mà còn làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm, nhiễm trùng.
Cảm lạnh và cảm cúm: đây là những bệnh khá phổ biến khi thay đổi thời tiết. Người bệnh cứ nằm xuống là ngứa cổ, ho, thường kèm theo sổ mũi, mệt mỏi. Bệnh thường khỏi 7-10 ngày, nhưng người bệnh vẫn có thể bị ho, ngứa rát cổ họng trong một vài ngày sau đó.
Mất nước: mất nước khiến chúng ta tiết không đủ nước bọt, miệng bị khô, ngứa rát cổ họng và dễ ho. Ngoài ra, bạn sẽ có cảm giác khát khô, mệt mỏi, lờ đờ, nước tiểu sậm màu… khi mất nước. Tùy từng mức độ mất nước mà bạn sẽ cần uống nước, bù nước và điện giải bằng Oresol hay truyền dịch.
Yếu tố khác: bên cạnh các yếu tố bệnh lý kể trên thì nhiều tác nhân bên ngoài thay đổi cũng có thể làm hệ miễn dịch của bạn tích cực hoạt động và gây ho, ngứa cổ như: bụi, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết đột ngột, điều hòa quá lạnh, thường xuyên phải nói nhiều, uống nhiều nước đá lạnh, tiếp xúc với hóa chất độc hại…
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến bạn nằm xuống là ngứa cổ ho. Vì vậy, hãy theo dõi các biểu hiện của cơ thể và hỏi ý kiến bác sĩ để làm rõ nguyên nhân. Từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp nhất.
2/ Hậu quả khi tình trạng ngứa cổ ho kéo dài
Nằm xuống là ngứa cổ ho xảy ra một cách thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn, làm tăng nguy cơ dẫn tới một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
Ho thường xuyên ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, giảm chất lượng cuộc sông như: khó khăn hơn khi ăn uống, nói chuyện, buồn nôn, ợ hơi, ngủ không ngon giấc, dễ tỉnh dậy về đêm, khó tập trung làm việc, cơ thể dễ mệt mỏi, uể oải…
Ngoài ra, ho kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới niêm mạc họng và dây thanh quản. Từ đó làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, viêm dây thanh quản, thay đổi giọng nói. Lớp niêm mạc bảo vệ ở họng kém đi, cũng làm tăng nguy cơ vi khuẩn, virus di chuyển được tới phổi và gây các bệnh lý tại đây.
Với những bệnh nhân loãng xương, cấu trúc xương yếu. Những cơn ho mạnh còn có thể gây nguy cơ gãy xương sườn.
Hay với những bệnh nhân cao huyết áp, cơn ho mạnh cũng có thể gây nguy cơ vỡ mạch máu ở kết mạc.
Ngứa cổ và ho kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể dẫn tới những biến chứng sức khỏe khác. Vì vậy, bạn hãy khắc phục sớm để không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng nhé!
3/ Điều trị khi bị ngứa cổ ho lúc nằm xuống
Nếu nằm xuống là ngứa cổ, ho không rõ nguyên nhân. Trước hết bạn nên vệ sinh mũi với nước muối sinh lý 2-3 lần/ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ để làm sạch mũi, ngăn dịch nhầy dư thừa ứ đọng hơi cổ họng. Đồng thời súc miệng kỹ với nước muối sinh lý 2 lần/ngày.
Bạn có thể tự pha nước muối súc miệng tại nhà, bằng cách pha 1 thìa cà phê muối tinh với khoảng 500ml nước ấm. Sau đó ngậm một ngụm nước muối vừa đủ, ngửa cổ ra sau để nước muối tiếp cận đến cổ họng, giữ trong khoảng 10s rồi nhổ ra. Lặp lại 1-2 lần. Nên thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Uống trà gừng mật ong cũng là một giải pháp tốt. Gừng và mật ong đều là những thảo dược có tính kháng khuẩn và kháng viêm tự nhiên, làm dịu niêm mạc cổ họng. Bạn chỉ cần pha 1 thìa mật ong nguyên chất, vài lát gừng, lát chanh và cho vào cốc nước ấm là đã có một thức uống tốt cho cổ họng.
Một số loại trà thảo mộc khác cũng có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu khi ho, ngứa cổ như: trà bạch quả, đương quy, cỏ ba lá đỏ, cam thảo, trà cải ngựa…
Nếu nguyên nhân gây ho đến từ trảo ngược dạ dày, bạn nên uống nước nghệ ấm pha với mật ong. Thức uống này không chỉ làm dịu cổ họng, giảm viêm tự nhiên mà còn tốt cho dạ dày.
Đây là các biện pháp giúp khắc phục chứng ho, ngứa cổ thường xuyên khi nằm mà bạn có thể dễ dàng áp dụng tại nhà. Nếu tình trạng không thuyên giảm hoặc kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác làm bạn lo lắng, hãy đi khám bác sĩ để làm rõ nguyên nhân và được điều trị đúng từ đầu nhé!
4/ Phòng tránh tình trạng ngứa cổ ho thế nào?
Để làm giảm tình trạng ngứa cổ, ho kéo dài, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh dưới đây:
Kê gối cao hơn khi ngủ: gối cao hơn, từ khoảng 15-20cm sẽ giúp đường hô hấp mở, thông thoáng hơn. Đồng thời giúp dịch nhầy dễ dàng di chuyển xuống dạ dày, tránh đọng lại nơi cổ họng.
Nằm nghiêng: tư thế ngủ nằm nghiêng cũng giúp cổ họng thông thoáng hơn so với nằm ngửa, giảm tình trạng ho khan.
Ăn ít hơn vào buổi tối: phù hợp với những ai đang bị trào ngược dạ dày. Bạn hãy cân nhắc việc ăn bữa tối với lượng thức ăn ít hơn và ăn sớm hơn, ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế đồ cay nóng, nước đá lạnh, thức ăn quá lạnh hoặc nhiều dầu mỡ. Vì chúng cũng là những tác nhân gây kích thích lên đường tiêu hóa.
Nếu cảm thấy mũi bị khô, như do thời tiết độ ẩm thấp, hoặc nằm phòng điều hòa thường xuyên. Bạn nên bổ sung độ ẩm cho phòng bằng cách sử dụng thêm máy tạo độ ẩm, hoặc đặt 1 chậu nước sạch trong phòng. Trồng thêm cây xanh (húng quế, hương thảo, oải hương, bạc hà…) cũng giúp cân bằng độ ẩm và thanh lọc không khí trong phòng.
Cần giữ không gian sống sạch sẽ. Như dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, tránh hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc, tránh các tác nhân dị ứng (lông thú cưng, bụi bẩn, không khí ẩm mốc…).
Bạn cũng hãy chú ý thực hiện và duy trì lối sống lành mạnh: ăn chế độ ăn đầy đủ và cân bằng các nhóm chất, tập thể dục thường xuyên…
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn có những hiểu biết cần thiết về tình trạng cứ nằm xuống là ngứa cổ ho. Nếu đã áp dụng các giải pháp trên mà tình trạng không thuyên giảm, hoặc kèm theo biểu hiện nào khác như sốt, ho nhiều hơn, khó thở, khò khè, sưng mặt… thì hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhé!