Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa: nguyên nhân và các giải pháp

Có không ít bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa và gây nhiều khó chịu, bất tiện trong quá trình thai kỳ, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng như trĩ, sa trực tràng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, và bạn có thể khắc phục táo bón khi mang thai thế nào cho hiệu quả và an toàn?

1/ Nguyên nhân bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa thai kỳ

Có tới 16-39% bà bầu bị táo bón vào một thời điểm nào đó, phổ biến hơn vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 này, tình trạng ốm nghén bắt đầu giảm nhưng có nhiều sự thay đổi đáng kể ở thai nhi, kèm theo đó là cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi nhanh chóng.

Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa

Nguyên nhân bà bầu dễ bị táo bón trong 3 tháng giữa thai kỳ đến từ việc thay đổi hormon trong cơ thể. Sự thay đổi này cũng ảnh hưởng lên các cơ làm nhu động ruột chậm lại, đau khi đi ngoài, bụng dưới có thể sưng lên.

Ngoài ra, bạn cũng dễ bị táo bón hơn nếu đang sử dụng sản phẩm bổ sung sắt, canxi. Nếu nghi ngờ điều này, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc sử dụng sang sản phẩm khác dễ hấp thu hơn nếu được.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm bạn dễ bị táo bón trong tam cá nguyệt thứ 2 này. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp chúng ta biết cách xử trí phù hợp, đúng cách và hiệu quả hơn.

2/ Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón ở bà bầu

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa hay trong quá trình mang thai. Bên cạnh các yếu tố nội tiết, sinh lý không thay đổi được, vẫn có nhiều nguyên nhân mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát để ngăn ngừa hay giảm thiểu cảm giác khó chịu khi táo bón này.

Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa

Thay đổi nội tiết tố: progesterone là hormon sinh dục nữ có vai trò quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt và chuẩn bị cho quá trình mang thai. Trong thai kỳ, progesterone tăng cao để làm dày lớp niêm mạc tử cung và kích thích các tuyến tiết ra dinh dưỡng để nuôi trứng, duy trì thai kỳ. Nhưng điều này cũng làm thư giãn các cơ đường tiêu hoá, thức ăn di chuyển chậm hơn, ở lại lâu hơn trong đường tiêu hoá nên bạn sẽ dễ bị táo.

Thuốc và/ hoặc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: một số loại thuốc thường được sử dụng khi mang thai như thuốc chống buồn nôn, nôn, ợ hơi… hay các thực phẩm bổ sung canxi, sắt… cũng có thể gây tác dụng phụ là táo bón. Nếu nghi ngờ điều này, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để thay đổi sản phẩm hoặc liều lượng để giảm thiểu triệu chứng.

Chế độ ăn ít chất xơ, ít nước: khi mang thai, bạn cần tiêu thụ nhiều chất xơ và nước hơn. Khi cơ thể không có đủ lượng chất xơ và lượng nước cần thiết sẽ dẫn tới táo bón.

Bị táo bón trước khi mang thai: nếu đã bị táo bón trước đó, bạn sẽ dễ bị tái bón tái phát hoặc các triệu chứng táo trở nên trầm trọng hơn. Do đó nếu bị táo và đang có kế hoạch mang thai, bạn nên cố gắng khắc phục táo từ trước.

Thai nhi: theo thời gian thai nhi phát triển, chiếm nhiều chỗ hơn và khiến tử cung nặng hơn, gây áp lực lên ruột nên làm chất thải khó di chuyển ra khỏi cơ thể. Điều này thường gặp hơn trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Ít vận động: vận động thường xuyên cũng kích thích các cơ đường tiêu hoá hoạt động trơn tru hơn. Khi mang thai, bà bầu thường có xu hướng ít vận động đi hơn và làm tăng nguy cơ táo bón.

Bạn có đang gặp phải lý do nào kể trên? Việc sử dụng thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chế độ ăn uống, sinh hoạt là điều mà chúng ta có thể thay đổi được. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ nếu đang bị táo để nhận được hướng dẫn khắc phục phù hợp nhé.

3/ Biểu hiện táo bón ở bà bầu thường gặp

Triệu chứng táo bón khi mang thai

Mặc dù mức độ táo bón, cảm giác khó khăn và đau khi đi đại tiện ở mỗi người là khác nhau nhưng táo bón khi mang thai cũng có những biểu hiện tương tự như táo bón thông thường.

Người bệnh đi ngoài < 3 lần/tuần, phân trở nên khô cứng, vón cục, khó và đau khi đại tiện. Cảm thấy căng thẳng khi đi ngoài, bụng dễ đầy hơi và sưng lên. Khi táo nặng hoặc kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn tới các biến chứng như: nứt kẽ hậu môn, trĩ, sa trực tràng, ứ phân…

4/ Biện pháp chữa táo bón cho bà bầu 3 tháng giữa

Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng táo khi mang bầu 3 tháng giữa. Trong đó, việc thay đổi chế độ ăn uống chính là chìa khoá thiết thực, hiệu quả và an toàn nhất.

Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa

Trung tâm y tế UCSF khuyến nghị phụ nữ mang thai nên bổ sung 20-35 gram chất xơ mỗi ngày. Không chỉ giúp làm mềm phân, tăng thể tích khối phân khiến quá trình đào thải phân nhanh hơn mà chất xơ còn giúp mẹ khắc phục những triệu chứng đường tiêu hoá khó chịu khác như đầy hơi, ợ nóng, táo bón, trĩ, tiểu đường thai kỳ.

Vì vậy, bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa cần đảm bảo ăn nhiều sản phẩm chứa chất xơ, bao gồm: các loại rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… Và nên lựa chọn thực phẩm theo mùa để đảm bảo dinh dưỡng và giảm thiểu dư lượng chất bảo quản.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chắc chắn rằng bản thân uống nhiều nước (tránh uống đồ ngọt), vận động vừa phải, đi vệ sinh ngay khi bạn muốn. Ngay cả khi cảm thấy khó đi vệ sinh, bạn nên ngồi trên bồn cầu trong khoảng 5-10 phút để phân di chuyển dễ dàng hơn.

Nếu tình trạng không thuyên giảm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhuận tràng hoặc thực phẩm bổ sung chất xơ. Một số thành phần nhuận tràng đã cho thấy tình hiệu quả và an toàn với phụ nữ có thai như macrogol 3350, macrogol 4000, lactulose. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Trên thực tế, chúng ta không thể ngăn chặn ảnh hưởng của hormone thai kỳ, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện những thay đổi khác để kiểm soát tốt tình trạng táo.

5/ Những lưu ý cần biết khi bà bầu bị táo

Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa

Táo bón là điều khó tránh khỏi khi mang thai – một giai đoạn sức khoẻ nhạy cảm. Do đó, bên cạnh các biện pháp khắc phục chứng táo bón trong 3 tháng giữa, bà bầu nên chú ý thêm một số điểm sau.

Trước hết, bạn không cần lo lắng táo bón sẽ ảnh hưởng đến em bé vì sự khó chịu này xảy ra trong đường tiêu hoá của bạn và không truyền sang em bé.

Hãy đảm bảo luôn ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt cũng như tăng lượng nước uống để nhu động ruột hoạt động khoẻ mạnh, ngay cả khi bạn bận rộn.

Ngoài ra, không quên lên lịch tập thể dục, với các bài tập mà bạn cảm thấy có thể thực hiện được: đi bộ, bơi, yoga, pilates, thể dục nhịp điệu…

Nếu đã nhiều ngày không đi ngoài, buồn đi vệ sinh nhưng không thể đi hoặc táo kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, sốt, buồn nôn… bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Bà bầu bị táo bón 3 tháng giữa là một tình trạng lành tính. Tuy nhiên, nó để lại nhiều cảm giác khó chịu, và nếu không được điều trị có thể gây ra một số biến chứng. Do đó, bạn hãy chú ý những biện pháp và lưu ý trên đây để phòng ngừa và loại bỏ chứng táo bón hiệu quả.

Để lại phản hồi

chat zalo Gọi hotline