Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn là cần thiết. Mặc dù biếng ăn là một tình trạng phức tạp và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng khắc phục việc thiếu kẽm dường như là bước đầu tiên tốt nhất trong việc phục hồi thói quen ăn uống tốt cho trẻ.
1/ Vì sao bé biếng ăn nên bổ sung kẽm?
Kẽm là khoáng chất vi lượng thiết yếu và nhiều thứ 2 trong cơ thể sau sắt. Nó đóng vai trò quan trọng với chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, khứu giác, vị giác, tăng trưởng… Tuy nhiên, có tới 1/3 dân số toàn cầu thiếu kẽm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Đây cũng là lý do mà các bác sĩ thường bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn.
Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển nên nhu cầu các chất dinh dưỡng, trong đó có kẽm tăng cao. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ giữa việc thiếu kẽm và tình trạng biếng ăn ở trẻ, cũng như bổ sung kẽm có thể khắc phục tình trạng này.
Có nhiều triệu chứng thiếu kẽm tương đồng mạnh mẽ với tình trạng biếng ăn, như: giảm sự thèm ăn, giảm cảm giác của khứu giác và vị giác, buồn nôn và đầy hơi khi ăn, khó khăn trong tiêu hóa thịt nên tránh ăn thịt, mất ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ, trầm cảm, giảm khả năng chú ý, dễ bị tổn thương do căng thẳng.
Sự chồng chéo các triệu chứng này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về việc bổ sung kẽm như một phương pháp điều trị chứng biếng ăn. Và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Như một nghiên cứu trên 26 trẻ thiếu kẽm và biếng ăn, được điều trị bằng cách bổ sung kẽm và chế độ ăn uống khoa học. Sau 6 tuần, đường cong tăng trưởng ở trẻ đã phồi phục nhanh chóng. Tình trạng biếng ăn được khắc phục một cách an toàn và có tác dụng phụ tối thiểu.
Một nghiên cứu khác trên 13 trẻ 14-18 tuổi biếng ăn được chia làm 2 nhóm, bổ sung 50mg kẽm/ngày hoặc giả dược trong 6 tháng. Kết quả cho thấy, nhóm bổ sung kẽm tăng cân nhiều hơn, tăng chiều cao, cải thiện chức năng vị giác, trưởng thành giới tính, các bất thường về da được khắc phục so với nhóm dùng giả dược.
Đặc biệt, mức độ trầm cảm, lo lắng và căng thẳng khi dùng kẽm đã được giảm đáng kể. Đây có thể là một cơ chế khác về tác dụng của kẽm với tình trạng biếng ăn.
Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng và thiếu hụt vi chất cũng ảnh hưởng phần nào tới cảm giác thèm ăn, thói quen ăn uống ở trẻ. Mẹ có thể cân nhắc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn, chậm lớn như một bước đầu đơn giản hiệu quả và an toàn.
2/ Nhu cầu kẽm cần thiết cho trẻ
Kẽm có vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn phát triển ở trẻ. Trước 6 tháng, thường trẻ đã được bổ sung đủ kẽm từ sữa mẹ. Nhưng sau 6 tháng, lượng kẽm trong sữa mẹ đã giảm nhiều và chúng ta cần bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc có chứa kẽm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, nhu cầu kẽm cho trẻ hàng ngày sẽ là:
- Trẻ sơ sinh – 6 tháng: 2 mg (AI)
- Trẻ sơ sinh 7 – 12 tháng: 3 mg (RDA)
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 3 mg (RDA)
- Trẻ em 4 – 8 tuổi: 5 mg (RDA)
- Trẻ em 9 – 13 tuổi: 8 mg (RDA)
- Bé trai 14 – 18 tuổi: 11 mg (RDA)
- Bé gái 14 – 18 tuổi: 9 mg (RDA)
Ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ cần một lượng kẽm khác nhau. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển bình thường ở trẻ, làm suy giảm sức đề kháng, chán ăn, ăn không ngon, vết thương lâu lành, dễ tiêu chảy… Vì vậy, chúng ta cần chú ý bổ sung kẽm đầy đủ cho bé.
3/ Cách bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn hiệu quả
Để bổ sung kẽm một cách hiệu quả và khắc phục sớm tình trạng biếng ăn ở trẻ, chúng ta có thể kết hợp bổ sung kẽm từ chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung cho con.
Các thực phẩm giàu kẽm mà mẹ có thể tham khảo cho bé như: ngũ cốc được tăng cường kẽm, động vật có vỏ (hàu, cua), thịt (thịt bò, thịt lợn), sữa và sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), cá, các loại đậu (đậu lima, đậu mắt đen, đậu pinto, đậu nành, đậu phộng), rau xanh nấu chín, nấm. Trong đó, kẽm từ động vật sẽ dễ hấp thụ hơn kẽm từ thực vật, và kẽm được hấp thu tốt nhất trong bữa ăn có protein.
Khi lựa chọn kẽm từ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, mẹ có thể lưu ý thêm về các dạng dùng của kẽm. Như kẽm sulfat có giá thành rẻ nhất nhưng lại khó hấp thu và có thể gây kích ứng dạ dày. Các dạng kẽm khác dễ hấp thu hơn như kẽm gluconate, kẽm picolinate, kẽm citrate, kẽm axetat và kẽm monomethionine.
Hiện nay ở trẻ em, kẽm bisglycinate chelate hay được các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng vì tính an toàn và dung nạp tốt. Kẽm bisglycinate chelate cho sinh khả dụng cao hơn 40% so với kẽm gluconate. Cấu trúc chelate sẽ giúp bảo vệ kẽm đáng kể trước những tương tác không mong muốn với các thành phần trong dạ dày, thức ăn và thuốc khác.
Vì cơ thể không dự trữ kẽm, nên chúng ta sẽ cần ăn các thực phẩm chứa kẽm mỗi ngày. Và để bổ sung kẽm một cách hiệu quả cho trẻ biếng ăn, mẹ hãy kết hợp các nguồn thực phẩm giàu kẽm và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa kẽm nhé.
4/ Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn trong bao lâu?
Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn trong bao lâu còn tùy thuộc tình trạng sức khỏe, mức độ nghiêm trọng của việc thiếu hụt kẽm và thói quen ăn uống của mỗi bé. Do đó, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ thăm khám trực tiếp để biết liều dùng và thời gian sử dụng phù hợp nhất.
Ở trẻ nhỏ, có một điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là sữa mẹ cung cấp đủ lượng kẽm cho trẻ từ 4 đến 6 tháng đầu đời nhưng không cung cấp đủ lượng kẽm được khuyến nghị cho trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi.
Nếu như trẻ có lỡ bỏ quên uống kẽm trong một hay nhiều ngày thì mẹ không cần lo lắng, vì cần mất một thời gian thì cơ thể mới bị thiếu kẽm và ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp mẹ có thêm những kinh nghiệm bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn hiệu quả. Nếu có điều gì băn khoăn về tình trạng sức khỏe cụ thể của con, mẹ có thể inbox tới Facebook/Zalo để các Dược sĩ Buona có thể hỗ trợ miễn phí nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4320702/
- https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/vitamins-minerals/zinc.html
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4320702/
- https://www.mountsinai.org/health-library/supplement/zinc
- https://kidsnewtocanada.ca/conditions/zinc
- https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/zinc-supplement-oral-route-parenteral-route/proper-use/drg-20070269