Táo bón không chỉ dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hoá, gây căng thẳng về cảm xúc cho cả trẻ và cha mẹ mà còn có thể là rào cản cho quá trình tăng trưởng. Trẻ táo bón chậm tăng cân như có mối liên hệ với nhau. Vậy mẹ nên làm gì để giúp con trong trường hợp này?
1/ Nhận biết trẻ chậm tăng cân do táo bón
Trẻ chậm tăng cân do táo bón trước hết được nhận biết bởi dấu hiệu chậm tăng cân. Trẻ khoẻ mạnh sẽ cần tăng 5-7 ounce/tuần trong 6 tháng đầu đời, 3-5 ounce/ tuần trong 6-12 tháng tuổi và 4-7 ounce/năm cho đến khi bắt đầu dậy thì (1 ounce = 28,35 gram). Nếu thấy cân nặng hay tốc độ tăng cân của trẻ dưới mức tiêu chuẩn này, đồng nghĩa với việc bé đang bị chậm tăng cân.
Thứ đến, táo bón được xác định khi trẻ đi đại tiện ít hơn 2 lần/tuần với phân khô cứng hoặc khó đi ngoài, cảm giác đi không hết phân. Đây là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ thường có tư thế như cong lưng, kiễng chân, ngọ nguậy hoặc bồn chồn, ngồi xổm, trốn vào một góc để trốn cảm giác buồn đi vệ sinh.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy táo bón và cân nặng có mối quan hệ với nhau. Cụ thể, chiều cao và cân nặng trung bình ở trẻ táo bón thấp hơn ở nhóm trẻ không bị táo. Việc trị táo thành công cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể về chất lượng ăn uống, cũng như chiều cao và cân nặng của trẻ.
Táo bón thường không phải là bệnh lý đáng lo ngại. Không phải trẻ nào táo bón cũng bị chậm tăng cân. Nhưng khi 2 vấn đề này xảy ra đồng thời, tốc độ tăng trưởng chậm lại thì ba mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa bé tới khám bác sĩ để được kiểm tra chi tiết và nhận lời khuyên phù hợp nhất.
2/ Trẻ táo bón chậm tăng cân có nguy hiểm không?
Táo bón sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và cân nặng của trẻ. Khi đi ngoài khó khăn, đau, các bé thường có xu hướng giữ chặt phân, phớt lờ cảm giác muốn đi đại tiện lâu nhất có thể. Điều này lại vô tình làm phân bị giữ lại lâu hơn, cơ thể tái hấp thu nước trong phân nhiều hơn, phân càng trở nên khô cứng và lần đi vệ sinh tiếp theo càng trở nên đau đớn hơn.
Vòng luẩn quẩn này không chỉ dần tăng thêm nỗi sợ hãi của trẻ về việc đi vệ sinh, mà nó cũng gợi lên và làm trầm trọng hơn các khó chịu đường tiêu hoá khác như chướng bụng, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn và chậm tăng cân.
Khi trẻ táo bón và chậm tăng cân xảy ra đồng thời và không được điều trị, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lâu dài như phát triển trí não bất thường, chậm phát triển các cột mốc quan trọng (VD: chậm biết lăn, chậm biết đi, dậy thì muộn…).
Táo bón kéo dài có thể làm chậm lại sự tăng trưởng của trẻ và điều trị táo bón thành công đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của con. Do đó hãy điều trị táo sớm cho trẻ mẹ nhé.
3/ Khi trẻ táo bón chậm tăng cân cần làm gì?
Để trị táo thành công và giúp trẻ tăng cân đều trở lại, mẹ cần kết hợp đồng thời cả 3 yếu tố: dùng thuốc nhuận tràng, tập đi ngoài, dinh dưỡng & lối sống. Đồng thời, mẹ đừng quên cho trẻ đi khám và tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá, theo dõi tình trạng của con.
Dưới đây là 3 điều mà mẹ cần chú ý khi cải thiện táo bón tại nhà cho trẻ:
Sử dụng thuốc nhuận tràng đúng cách & đủ liều
Với những trẻ táo bón lâu ngày thì việc thay đổi chế độ ăn uống hay bổ sung men vi sinh thường kém hoặc không hiệu quả. Thay vào đó, việc dùng thuốc nhuận tràng sẽ là điều quan trọng không thể thiếu để giúp con loại bỏ ngay phân cứng ứ đọng và ngăn tình trạng táo bón tiến triển nặng hơn.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý tới nguyên tắc trong điều trị táo bón là cần làm mềm phân đủ lâu cho tới khi bé hình thành được thói quen đi vệ sinh tốt. Tiền trình này cần trung bình 3-6 tháng, hoặc có thể kéo dài hơn với những bé táo nặng. Do đó, mẹ hãy kiên trì dùng thuốc cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ, không ngưng đột ngột.
Tập đi ngoài cho trẻ hàng ngày
Sử dụng thuốc nhuận tràng hàng ngày sẽ giúp trẻ đi phân mềm, nhưng để con hình thành được thói quen đi vệ sinh tốt thì ba mẹ sẽ cần tập đi ngoài hàng ngày cho bé. Bé không nhất thiết phải ra phân, nhưng việc ngồi bô hàng ngày trong ít nhất 10 phút sẽ dần tạo ra những thay đổi nhỏ của trẻ với việc đi vệ sinh, dần tạo thói quen cho nhu động ruột.
Một số mẹo để việc hình thành thói quen này được dễ dàng hơn là:
- Duy tri hàng ngày vào khung giờ cố định. Lý tưởng nhất là sau bữa ăn tối, lúc có nhiều thời gian để trẻ không cảm thấy vội vã
- Nên có bầu không khí thư giãn. Mẹ có thể nói với trẻ về những gì đang xảy ra trong đường tiêu hoá, giải thích về phân, việc đi vệ sinh, cái bô…
- Có những phần thưởng nhỏ, khen thưởng khi trẻ hoàn thành “thử thách” này
- Không mắng, phạt nếu trẻ không chịu ngồi bô hay ị đùn. Cố gắng giữ bình tĩnh và hướng dẫn trẻ khắc phục
Chế độ dinh dưỡng & sinh hoạt khoa học
Khi trẻ táo bón, mẹ hãy đảm bảo rằng con được uống đủ nước và ăn thêm chất xơ (trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt) để hỗ trợ làm mềm phân. Vì có nhiều thông tin hữu ích và thú vị, nên Buona sẽ chia sẻ rõ hơn trong phần sau của bài viết.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng hãy khuyến khích trẻ tập thể dục hàng ngày để kích thích nhu động ruột, ngay với những bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ, chơi đuổi bắt, đạp xe, ném bóng… cũng đã tốt cho bé. Nên giảm thời gian xem màn hình (TV, máy tính) xuống tối đa 2 giờ/ngày.
Nhìn chung, sẽ có thêm những thói quen cần rèn luyện cho trẻ trong tiến trinh trị táo và cải thiện cân nặng này, ba mẹ hãy kiên trì đồng hành cùng con. Nếu cần, hãy lên lại lịch bữa ăn để có thêm thời gian thoải mái cho việc tập đi vệ sinh hay các bài tập vận động của trẻ mẹ nhé!
4/ Chế độ ăn cho trẻ táo bón chậm tăng cân
Chế độ ăn sẽ cần được quan tâm nhiều hơn ở những trẻ táo bón kèm theo chậm tăng cân. Không chỉ là khắc phục táo bón, mẹ cũng cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ để con có thể tăng cân đều trở lại, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng nhanh.
Trước hết, mẹ hãy khuyến khích bé uống đủ nước hàng ngày. Nước sẽ giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua ruột và là thành phần quan trọng (chiếm 60-70%) trong tính chất phân bình thường.
Lượng nước sẽ hay đổi theo cân nặng và độ tuổi của trẻ: trẻ 6-12 tháng cần 1/2 ly/ ngày, trẻ 1 tuổi cần 1 ly/ngày, trẻ 2 tuổi cần 2 ly… trẻ 8 tuổi cần 8 ly/ngày, trẻ >= 9 tuổi cần 8 ly/ngày (1 ly = 250ml). Với trẻ bị táo khi ăn dặm, hãy thêm khoảng 2-4 ounce táo, lê, mận mỗi ngày cho trẻ.
Bên cạnh đó, hãy hãy giúp trẻ ăn nhiều chất xơ hơn (táo, lê, đậu, bột yến mạch, cam, chuối chín, bánh mì nguyên hạt, bông cải xanh, cà rốt, dứa…). Số gram chất xơ tối thiểu mà trẻ cần mỗi ngày = tuổi của trẻ + 5. Tuy nhiên, mẹ hãy thêm chất xơ vào từ từ để trẻ dần làm quen với chế độ ăn mới này nhé.
Một số lưu ý khác trong chế độ ăn mà mẹ nên lưu ý là:
- Nên hạn chế lượng sữa ở mức 230/350ml/ngày (tuỳ theo độ tuổi). Nước ép trái cây < 120ml/ngày và nên thay thế bằng trái cây tươi, rau xanh. Phần còn lại trong nhu cầu chất lỏng nên là nước tinh khiết
- Hạn chế nước ngọt, nước có ga
- Tránh thức ăn nhiều chất béo và đường
Hy vọng chia sẻ trên đây đã giúp mẹ gỡ rối được những băn khoăn về tình trạng trẻ táo bón chậm tăng cân. Điều này sẽ cần rất nhiều sự kiên trì của bé và ba mẹ. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nhỏ nào cũng đều có ý nghĩa. Hãy kiên trì đồng hành cùng con ba mẹ nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://publications.aap.org/aapgrandrounds/article-abstract/21/1/9/90282/Constipation-and-Growth-Something-New-to-Consider?redirectedFrom=fulltext
- https://kidshealth.org/en/parents/constipation.html
- https://patient.info/digestive-health/constipation/constipation-in-children
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4178044/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18414138/