Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ? Ba mẹ cần làm gì

Sốt là triệu chứng khá phổ biến ở trẻ và đó không hẳn là điều xấu. Nhưng vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ lại luôn làm ba mẹ và cả các bác sĩ lo ngại. Buona sẽ cùng mẹ làm rõ nguyên nhân và xem cách xử trí phù hợp trong bài viết.

1/ Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ?

Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ

Sốt là khi thân nhiệt trẻ trên 38 độ C. Ngoài sốt, trẻ cũng có thể cáu kỉnh, khóc, buồn ngủ hơn bình thường, cảm thấy không khoẻ, nóng khi chạm vào, nôn ói, run rẩy… Cơn sốt thực sự là một trong những cơ chế bảo vệ của cơ thể, cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang tích cực thực hiện công việc của mình.

Trong một số trường hợp, chúng ta có thể bắt gặp trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ, hoặc hạ sốt không đáng kể và sau đó lại sốt cao hơn. Điều này có thể đến từ việc sử dụng thuốc chưa đúng cách, hoặc trẻ đang gặp phải bệnh lý nghiêm trọng gây sốt cao khó hạ (nhiễm trùng nặng, sốt xuất huyết Dengue…) và cần lập tức tới bệnh viện.

Chúng ta cần kiểm tra xem bé đã dùng đủ liều thuốc hạ sốt hay chưa. Liều lượng là yếu tố cần thiết để thuốc phát huy hiệu quả. Khi sử dụng liều quá thấp, thuốc có thể không đủ để phát huy tác dụng hạ sốt hoặc hạ sốt kém hiệu quả.

Thuốc cũng cần đảm bảo còn hạn sử dụng và được bảo quản đúng cách. Hết hạn hoặc bảo quản không đúng không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc mà còn tăng nguy cơ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Ngoài ra, khi sốt xuất phát từ các bệnh lý nghiêm trọng, nó có thể làm bé sốt cao khó hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, thậm chí kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, phát ban. Trong trường hợp này, mẹ cần đưa bé tới khám bác sĩ để làm rõ nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp, tránh các biến chứng xảy ra.

Loại thuốc hạ sốt thường được dùng cho trẻ là paracetamol sẽ cần 30-60 phút sau để phát huy tác dụng. Nếu sau thời gian này mà bé vẫn còn sốt, mẹ cần tìm hiểu để làm rõ nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.

2/ Cần làm gì khi trẻ uống thuốc hạ sốt không hạ?

Khi trẻ uống thuốc hạ sốt không hạ do sử dụng thuốc chưa đúng cách, hoặc tác dụng của thuốc chậm, trẻ vẫn còn sốt nhiều, mệt mỏi thì mẹ nên chườm ấm, lau người bằng khăn ấm cho trẻ, chọn quần áo thoáng mát.

Cần làm gì khi trẻ sốt không hạ

Chườm ấm hay lau người với khăn ấm là một biện pháp giúp hạ sốt hiệu quả và an toàn. Nhiệt độ ấm sẽ làm các lỗ chân lông giãn nở, nhiệt độ nóng trong cơ thể dễ dàng thoát ra ngoài. Mẹ nên chườm ấm cho bé khoảng 15-20 phút mỗi lần ở các vị trí có nhiều mạch máu gần da như trán, thái dương, nách, bẹn. Sau đó đảm bảo trẻ được mặc ấm để tránh làm mất nhiệt độ cơ thể.

Nhiều cha mẹ vẫn còn thói quen sử dụng miếng dán hạ sốt cho bé. Tuy nhiên nhiều bác sĩ nhi khoa đã cho biết điều này không có tác dụng hạ sốt mà chỉ là cảm giác mát ngoài da, giúp cha mẹ yên tâm hơn mà thôi. Do đó, mẹ nên chườm khăn ấm cho trẻ thay vì sử dụng các miếng dán hạ sốt để tránh lãng phí và mang lại hiệu quả hạ sốt thực sự.

Đặc biệt, với trẻ < 3 tháng hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch, và sốt > 38 độ C thì ngay cả khi bé không có triệu chứng nào khác thì ba mẹ cũng cần tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức từ bác sĩ hoặc bệnh viện.

Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ

Trong các trường hợp khác, mẹ cần đưa bé tới bác sĩ khi con sốt > 38 độ và kèm theo bất kỳ triệu chứng: nôn ói, không chịu uống nước, phát ban, cổ cứng, đau mắt khi tiếp xúc với ánh sáng, buồn ngủ nhiều hơn bình thường, hô hấp khó khăn, tình trạng có vẻ xấu đi hoặc sốt > 2 ngày không rõ nguyên nhân.

Trẻ uống thuốc hạ sốt không hạ sẽ rất cần tới sự chăm sóc của ba mẹ và sự thăm khám kịp thời của bác sĩ. Vì vậy, mẹ hãy quan sát kỹ các dấu hiệu của con để lựa chọn hướng xử trí phù hợp nhất.

3/ Cách chăm sóc giảm sốt cho bé

Thực tế, hạ sốt sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn chứ không giúp điều trị bệnh tiềm ẩn nhanh hơn. Do đó, nếu trẻ vui chơi, ăn ngủ bình thường thì ba mẹ không cần phải hạ sốt. Nhưng nếu trẻ cảm thấy khó chịu thì một số điều dưới đây có thể giúp con.

Trẻ sốt cần bổ sung đủ nước

Mẹ cần đảm bảo trẻ không bị thiếu nước, bằng cách cho bé bú nhiều hơn với trẻ < 6 tháng, hoặc cho bé uống thêm nước, uống bù nước Oresol với trẻ > 6 tháng. Bạn có thể chỉ cần cho bé uống thêm một lượng nhỏ nhưng thường xuyên hơn.

Chườm ấm, lau người cho bé bằng khăn ấm cũng sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu và hạ thân nhiệt. Chườm lạnh cho trẻ không được khuyến khích lúc này.

Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thoải mái nhưng đảm bảo không quá lạnh hay quá nóng. Nếu trẻ run rẩy thì hãy thêm một lớp quần áo hoặc lớp chăn nữa cho tới khi bé không còn run.

Việc sử dụng thuốc hạ sốt sẽ cần thiết khi trẻ cảm thấy khó chịu. Paracetamol sẽ là lựa chọn an toàn nhất với trẻ. Và lưu ý tuyệt đối không tự ý cho bé uống aspirin, không sử dụng ibuprofen cho trẻ < 3 tháng hoặc trẻ có dấu hiệu mất nước.

Sốt là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp mẹ giải đáp được băn khoăn vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ, đồng thời biết cách xử trí phù hợp để tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải khi sốt.

Tài liệu tham khảo:

  • https://healthcare.utah.edu/the-scope/kids-zone/all/2016/10/listener-question-what-should-i-do-if-my-childs-fever-isnt-going
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997
  • https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/fever_in_children/
  • https://www.nhs.uk/medicines/paracetamol-for-children/about-paracetamol-for-children/
  • https://www.chop.edu/video/fever-kids

Để lại phản hồi

chat zalo Gọi hotline