Giao mùa, thời tiết thay đổi là lúc chúng ta chứng kiến các đợt ốm bệnh, nhập viện ở trẻ tăng cao. Nhận biết các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa có thể giúp ba mẹ chủ động phòng tránh bệnh tật cho con tốt hơn.
1/ Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa
Mỗi khi giao mùa, không chỉ trẻ em mà cả người lớn chúng ta thường dễ cảm thấy khó chịu nhiều hơn. Các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa rát họng… bắt đầu xuất hiện. Trẻ em với hệ miễn dịch còn non nớt nên dễ tiến triển thành bệnh, kéo dài nhiều ngày và cần được điều trị.
Đây là các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa mà ba mẹ nên chú ý:
Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh lý thường gặp ở trẻ và phổ biến hơn trong thời điểm giao mùa, bùng phát mạnh vào mùa đông xuân (tháng 11 – tháng 4) và do virus cúm gây ra.
Khi bị cảm cúm, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao đột ngột (> 38,3 độ C) và kèm theo một loạt triệu chứng như: run rẩy, đau họng, buồn nôn & nôn, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, chóng mặt, biếng ăn, sổ mũi, nghẹt mũi, có thể tiêu chảy.
Phần lớn cảm cúm không quá nghiêm trọng và tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, một số trẻ với hệ miễn còn yếu và không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng như viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản…
Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là tên gọi chung cho các bệnh lý viêm thuộc đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng, tai, xoang, thanh quản…) là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong khi thay đổi thời tiết. Tuỳ thuộc vào cơ quan nhiễm trung mà sẽ có các tên gọi cụ thể như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản…
Đường hô hấp trên là cửa ngõ tiếp xúc trực tiếp với không khí và môi trường bên ngoài nên rất dễ bị virus, vi khuẩn, nấm mốc… tấn công và nhiễm bệnh. Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới WHO cho thấy, trẻ sơ sinh có thể mắc 6-10 đợt viêm đường hô hâp trên/năm, và con số này là 4-6 đợt/năm ở trẻ < 5 tuổi nói chung.
Các triệu chứng sẽ xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp của: sốt, ho (ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm), nghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè, đau rát họng, mệt mỏi, đau đầu, khàn tiếng, chán ăn…
Khi được phát hiện và điều trị sớm, bé sẽ khỏi thường sau 5-7 ngày với các triệu chứng nhẹ không gây nguy hiểm. Nhưng khi không được chăm sóc đúng cách và bé tái phát nhiều lần, bệnh có thể làm chậm quá trình phát triển ở trẻ và dẫn tới biến chứng, tổn thương tới cả đường hô hấp dưới.
Tiêu chảy cấp
Rotavirus là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến nhất khi giao mùa bên cạnh các tác nhân khác như virus khác (Astroviruses, Adenoviruses, Norwalk Virus, Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses), vi khuẩn (Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, E. coli, Listeria monocytogenes, Salmonella spp…), ký sinh trùng (Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii…), nhiễm trùng ngoài ruột, dị ứng thức ăn, tác dụng phụ của thuốc, hoá trị, suy giảm miễn dịch…
Tiêu chảy cấp gặp khá nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng điển hình là đi ngoài phân lỏng với tần suất nhiều hơn bình thường, nôn ói, đau bụng, mất nước, mệt mỏi, quấy khóc… Trong đó mất nước là triệu chứng quan trọng nhất mà mẹ cần theo dõi và khắc phục cho bé.
Có một số bệnh lý mà trẻ thường phải đối mặt một cách thường xuyên hơn khi giao mùa như: cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp. Nhận biết để thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp sẽ giúp mẹ dễ dàng hơn trên hành trình chăm sóc bé.
2/ Nguyên nhân trẻ thường bị ốm trong lúc giao mùa
Trước hết, chúng ta cần làm rõ rằng các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa luôn đến từ các tác nhân chính là vi khuẩn, virus, nấm mốc, ký sinh trùng… và thời tiết chỉ là yếu tố thúc đẩy thêm.
Một số nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ giảm và độ ẩm giảm xuống, virus sẽ hoạt động mạnh hơn và nhân lên nhanh chóng trong mũi. Trong khi không khí lạnh và khô này lại làm khô màng nhầy trên niêm mạc mũi và miệng – có nhiệm vụ bắt dính và ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể. Mặt khác, các mạch máu có xu hướng co lại khi trời lạnh, các tế bào bạch cầu với chức năng tiêu diệt tác nhân gây hại khó tiếp cận màng nhầy hơn. Từ những lý do đó mà virus sẽ nhanh chóng xâm nhập và phát triển gây bệnh.
Ngoài ra, việc dành phần lớn thời gian ở trong nhà vào mùa thu, đông, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm cơ thể bạn không tổng hợp đủ vitamin D – vi chất quan trọng cho hệ miễn dịch. Phòng không được thông thoáng gió cũng có thể trở thành nơi sinh sản tốt của virus, vi khuẩn.
Nhìn chung, các đợt trẻ ốm bệnh thường tăng cao vào thởi điểm giao mùa, thay đổi thời tiết đột ngột. Cả 2 điều này thường xảy ra đồng thời nhưng thời tiết không phải là thủ phạm chính mà sẽ là điều kiện thuận lợi để virus lây lan, làm suy yếu hệ miễn dịch hay tăng thời gian mọi người tụ tập trong già với không khí lưu thông kém. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa để cùng trẻ tận hưởng những vẻ đẹp thiên nhiên lúc giao mùa!
3/ Làm sao để trẻ khỏe mạnh khi giao mùa?
Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân thực sự khiến trẻ hay bị ốm lúc giao mùa, chúng ta hãy cùng tập trung vào khắc phục những tác nhân khiến bé bị ốm thực sự và là những điều ta có thể kiểm soát được mẹ nhé!
Cải thiện dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển thể chất, trí tuệ và hệ miên dịch của trẻ. Nguồn thực phẩm với chất lượng dinh dưỡng kém, nhiều đường và chất béo no hoàn toàn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm bé dễ bị nhiễm bệnh khi trời trở lạnh hơn.
Do đó, mẹ hãy chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này. Đồng thời tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, chất chống oxy hoá giúp tăng cường miễn dịch như: rau củ (rau chân vịt, súp lơ xanh, rau dền, rau cải, rau ngót, cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, khoai tây…), hải sản (tôm, cua, sò, ngao, cá…), trái cây họ cam quýt.
Cải thiện giấc ngủ
Ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, tăng trưởng chiều cao, tỉnh táo… có nguồn năng lượng và trí nhớ tốt cho việc vui chơi, học hỏi trong ngày hôm sau.
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ AAP khuyến nghị không để tất cả các thiết bị có màn hình (ti vi, máy tính, điện thoại…) trong phòng ngủ của trẻ. Ba mẹ nên ưu tiên cho giấc ngủ của trẻ và tạo thói quen thư giãn cho bé mà không liên quan tới bất kỳ thiết bị điện tử nào ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
Nếu trẻ thường xuyên khó ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu giấc thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung melatonin. Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung melatonin cho hiệu quả cải thiện chất lượng giấc ngủ nhanh ngay từ những ngày đầu sử dụng, giúp cơ thể dễ ngủ và ngủ ngon sâu giấc. Đồng thời việc bổ sung này là an toàn, không ảnh hưởng tới hệ thần kinh, không gây lệ thuộc.
Tạo thói quen sinh hoạt phù hợp
Thời tiết thay đổi ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của trẻ và các thành viên trong gia đình. Nhưng bảo vệ trẻ bằng cách luôn để con ở trong phòng không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt. Thay vào đó, mẹ hãy:
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là phần cổ tay, cổ chân và vào ban đêm
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nên có những khoảng thời gian mở cửa phòng để không khí lưu thông trong ngày
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: tắm bằng xà phòng diệt khuẩn, cắt ngắn móng tay chân, nhỏ mũi với muối sinh lý…
- Với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật
Giảm căng thẳng
Những yếu tố như phải tiếp xúc với ngôi trường mới, giáo viên, bạn bè, các hoạt động mới… hay những căng thẳng trong gia đình đều có thể tác động đến bé. Những căng thẳng, sợ hãi này ít nhiều ảnh hưởng tới sức miễn dịch, khả năng chống lại vi khuẩn, virus của trẻ.
Do đó, mẹ hãy dành thời gian để thường xuyên trò chuyện cởi mở, làm bạn với bé để phát hiện và giải quyết kịp thời các dấu hiệu căng thẳng, như: rút lui khỏi các hoạt động yêu thích, khó ngủ, đau bụng, thái độ tiêu cực, có hành vi chống đối xã hội (nói dối, trộm cắp…).
Chăm sóc trẻ đúng cách
Nếu trẻ mắc bệnh, việc chăm sóc bé đúng cách sẽ giúp con giảm bớt khó chịu và chóng khỏi hơn:
- Trẻ sốt: cho bé uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát, lau người bằng khăn ấm và cần đưa trẻ tới khám bác sĩ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Trẻ ho: ho thực chất là phản xạ tốt của hệ miễn dịch để tống đẩy đờm nhầy dư thừa, virus, vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp do đó mẹ không nên lo lắng quá nếu thấy con ho. Để làm dịu, trẻ bớt khó chịu khi ho nhiều thì mẹ có thể cho bé uống mật ong (> 1 tuổi) và vệ sinh mũi với nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương
- Trẻ nôn ói và tiêu chảy: điều quan trọng nhất là bù nước cho trẻ. Nếu tình trạnh không bớt thì nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế
Tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng sẽ giảm đáng kể nguy cơ nhiễm hoặc giúp các triệu chứng giảm nhẹ so với khi không được tiêm. Do đó, mẹ hãy cho bé tiêm phòng đầy đủ các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là các mũi vacxin cúm, vacxin Rotavirus.
Chúng ta không thể kiểm soát được thời tiết, cũng không nên ngăn trẻ bắt kịp những điều đang thay đổi xung quanh. Tránh hoàn toàn các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa là điều không thể. Nhưng ba mẹ hoàn toàn có thể chuẩn bị tốt cho trẻ để giúp con đi qua những lúc giao mùa một cách nhẹ nhàng hơn.