Các dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh thường gặp và cách phòng tránh

Kẽm là khoáng chất nhiều thứ 2 trong cơ thể và rất cần thiết cho sự phát triển ở trẻ. Có tới 1/3 dân số toàn cầu thiếu kẽm ở mức độ nhẹ hay trung bình. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều kẽm cũng có thể dẫn tới những tác động tiêu cực cho sức khỏe. Dưới đây là những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh cùng những biện pháp phòng tránh.

1/ Những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh thường gặp

Thiếu hụt hay dư thừa kẽm đều không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nếu đang sử dụng các sản phẩm bổ sung kẽm cho con thì dưới đây là các dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh mà mẹ nhất định cần ghi nhớ.

dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh

Buồn nôn, nôn

Buồn nôn, nôn sau khi uống kẽm trong lần đầu tiên thường liên quan tới việc đường tiêu hóa của trẻ bị kích ứng. Để khắc phục điều này, mẹ hãy cho bé uống kẽm trong hay ngay sau bữa ăn.

Tuy nhiên, nếu trẻ bỗng dưng buồn nôn, nôn thường xuyên sau khi uống kẽm, dù trước đó con đang bổ sung bình thường thì mẹ hãy tạm ngưng sử dụng kẽm cho bé và đưa con tới khám bác sĩ. Buồn nôn, nôn và khô họng kéo dài là những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh đầu tiên mà mẹ nên lưu ý.

Đau bụng, tiêu chảy

Đây là các biểu hiện ít phổ biến hơn khi trẻ thừa kẽm. Trong một số ít trường hợp, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khiến trẻ chảy máu đường ruột sau khi uống kẽm sulfat liều cao.

Đắng miệng, chán ăn

Kẽm có vai trò quan trọng trong chức năng bình thường của vị giác, khứu giác, giúp trẻ cảm nhận được hương vị thức ăn tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Thiếu kẽm làm vị giác của trẻ kém nhạy và chán ăn. Nhưng dư thừa kẽm có thể làm trẻ bị đắng miệng, có vị kim loại trong miệng. Điều này thường gặp phải ở những viên ngậm với hàm lượng kẽm quá cao.

Triệu chứng giống như cảm cúm

Khi lượng kẽm trong cơ thể bị dư thừa, trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải các triệu chứng giống như cảm cúm: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi.

Nồng độ cholesterol tốt HDL thấp

Có nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bổ sung hơn 50mg kẽm/ngày sẽ làm tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch. Nguyên nhân do dư thừa kẽm trong thời gian dài có thể làm giảm HDL – cholesterol tốt giúp bảo vệ cơ thể trước các vấn đề tim mạch.

Thiếu hụt đồng

Uống quá nhiều kẽm (> 40mg/ngày) có thể cản trở sự hấp thụ đồng trong ruột, dẫn tới tình trạng thiếu hụt đồng nghiêm trọng ở trẻ. Đồng là khoáng chất quan trọng cho quá trình chuyển hóa sắt, hình thành tế bào hồng cầu, bạch cầu. Từ đó, sự thiếu hụt này lâu dài có thể dẫn tới thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, suy giảm miễn dịch ở trẻ.

Thường xuyên bị bệnh nhiễm trùng

Kẽm giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhưng quá nhiều kẽm lại có thể gây phản ứng ngược, làm suy giảm sức đề kháng. Cụ thể, thừa kẽm làm suy yếu chức năng của các tế bào miễn dịch, điển hình là tế bào lympho T – tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại mầm bệnh.

Trên thực tế, không dễ để phân biệt dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ với các trường hợp ngộ độc khoáng chất khác, hay các nguyên nhân gây rối loạn đường tiêu hóa, cảm cúm… Trẻ sơ sinh vốn là đối tượng nhạy cảm. Do đó, trước mỗi thay đổi trong sức khỏe của con, mẹ nên đưa bé tới khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị phù hợp.

2/ Cần làm gì khi trẻ bị thừa kẽm?

dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh

Tương tự như các sản phẩm thuốc, thực phẩm bổ sung khác, chúng ta cũng cần bổ sung kẽm cho trẻ đúng liều lượng và đúng cách để tránh dư thừa. Nếu trẻ sơ sinh có bất kỳ dấu hiệu thừa kẽm nào kể trên, mẹ hãy:

Tạm dừng bổ sung kẽm và cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn: đây là điều mà chúng ta cần làm trước tiên để thúc đẩy quá trình đào thải của cơ thể, loại bỏ kẽm dư thừa.

Cho trẻ uống sữa tươi: canxi, phospho trong sữa sẽ cạnh tranh và ức chế hoạt động của kẽm dư thừa. Do đó, mẹ có thể cho con uống một ly sữa tươi nếu nghi ngờ bé bị thừa kẽm nhé.

Giảm bớt các thực phẩm giàu kẽm trong bữa ăn: thịt đỏ, động vật có vỏ (hàu, sò huyết, tôm, cua…). Điều này sẽ giúp giảm lượng kẽm cơ thể hấp thu, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể trong quá trình phục hồi tự nhiên.

Mẹ có thể áp dụng các cách trên khi nghi ngờ con bị dư thừa kẽm. Nhưng sau đó, hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ sớm để làm rõ nguyên nhân của các biểu hiện sức khỏe bất thường trên. Tránh việc ngộ nhận làm việc điều trị sai cách mẹ nhé!

3/ Cách phòng tránh thừa kẽm ở trẻ sơ sinh

dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh

Trên thực tế, khi bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ thì việc dư thừa kẽm rất hiếm khi xảy ra. Do kẽm không được lưu trữ trong các mô của cơ thể và sự hấp thu, bài tiết của kẽm sẽ được điều chỉnh theo nhiều chế độ ăn uống khác nhau.

Tình trạng dư thừa thường chỉ xảy ra khi bổ sung lượng kẽm quá mức, hoặc với lượng nhỏ hơn nhưng trong thời gian dài. Lâu dần, nó có thể dẫn tới những thay đổi có hại trong chuyển hóa sắt, đồng và cholesterol. Gây ra buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, suy giảm miễn dịch…

Do đó để phòng tránh dư thừa kẽm ở trẻ sơ sinh, mẹ hãy lưu ý bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ và đọc kỹ bảng thành phần trong các sản phẩm sữa, cháo ăn dặm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe… để đảm bảo hàm lượng cân đối.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, nhu cầu kẽm cho trẻ hàng ngày sẽ là:

  • Trẻ sơ sinh – 6 tháng: 2 mg (AI)
  • Trẻ sơ sinh 7 – 12 tháng: 3 mg (RDA)
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 3 mg (RDA)
  • Trẻ em 4 – 8 tuổi: 5 mg (RDA)
  • Trẻ em 9 – 13 tuổi: 8 mg (RDA)
  • Bé trai 14 – 18 tuổi: 11 mg (RDA)
  • Bé gái 14 – 18 tuổi: 9 mg (RDA)

Bổ sung kẽm đúng liều lượng, đúng cách rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Nếu nghi ngờ bất thường qua những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ sơ sinh trên đây, mẹ hãy tạm ngưng cho bé uống kẽm và cho bé thăm khám bác sĩ nhé.

Để lại phản hồi

chat zalo Gọi hotline