Các bé và cả người lớn chúng ta ít nhiều đều từng trải qua cảm giác sặc nước, nhưng thường ở tần suất rất nhỏ và không để lại ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng tại sao trẻ uống nước hay bị sặc, bé lại gặp điều này một cách thường xuyên như vậy?
1/ Tại sao trẻ uống nước hay bị sặc?
Khi thấy trẻ bị sặc nước, ba mẹ cần để ý quan sát kỹ các dấu hiệu của con để tránh các trường hợp trẻ sặc nước vào phổi rất nguy hiểm, hoặc đây là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lý nào đó.
Do thói quen ăn uống chưa đúng
Khi trẻ uống nước hay bị sặc, trước hết mẹ hãy để ý xem có phải do con hay có thói quen cười đùa quá mức lúc uống nước hay không.
Khi nuốt, đồ uống và thức ăn sẽ đi từ miệng xuống cổ họng. Nhưng đây cũng là con đường không khí đi vào phổi. Tại đây sẽ có một vạt mô gọi là nắp thanh quản nằm phía trên khí quản, ngăn không cho thức ăn và đồ uống đi vào khí quản khi nuốt. Nhưng một số trường hợp cười đùa quá mức có thể làm vạt này bị mở ra không đúng lúc và làm bé bị sặc.
Bên cạnh đó, điều này cũng có thể đến từ việc ăn uống ở tư thế không đúng, dễ gặp ở những trẻ dưới 1 tuổi do nắp thanh quàn và hệ thần kinh thực vật phát triển chưa hoàn thiện. Mẹ cần tránh việc nằm cho bé bú, kê bình sữa vào gối cho bé tự bú, cho trẻ nằm uống nước, bó chặt trẻ hay cho bé uống khi đang khóc.
Do bệnh lý
Những trẻ mắc chứng khó nuốt hay bị sặc khi uống nước hơn những trẻ không mắc. Trẻ cũng dễ bị sặc ngay cả khi nuốt nước bọt. Khi mắc chứng khó nuốt, các cơ vùng hầu họng sẽ không hoạt động bình thường và làm bé dễ sặc.
Khó nuốt có thể đến từ việc sự phối hợp chưa chính xác giữa các cơ quan vùng hầu họng (miệng, lưỡi, vòm miệng, thanh quản, vùng đầu thực quản). Thường gặp ở trẻ sinh non, trẻ đã phẫu thuật tim, phổi hay ngực, trẻ mắc hội chứng Down.
Một số vấn đề về giải phẫu khiến đồ uống và thức ăn dễ đi vào phổi như khe hở thanh quản, nhuyễn thanh quản, liệt dây thanh âm, rò khí quản thực quản, hở hàm ếch…
Hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng sẽ làm bé dễ bị sặc. Lượng nước đi vào dạ dày lại bị trào ngược và gây sặc.
Các tình trạng thần kinh làm suy yếu vùng hầu họng và thực quản như: bại não, co thắt ở trẻ sơ sinh, một số hội chứng di truyền, dây thần kinh điều khiển cơ nuốt bị tổn thương, bệnh thần kinh cơ (VD: teo cột sống)… cũng có thể làm trẻ dễ bị sặc khi uống nước.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà việc trẻ hay sặc khi uống nước sẽ tự hết sau một thời gian hay không, hoặc mẹ sẽ cần can thiệp theo mưc độ ra sao. Hãy chú ý quan sát các dấu hiệu ở con và cho bé đi khám khi cần thiết để được đánh gí chi tiết bởi đội ngũ y tế.
2/ Khi trẻ uống nước hay bị sặc có nguy hiểm không?
Tại sao trẻ uống nước hay bị sặc có thể không nguy hiểm nếu chỉ hít phải một lượng nhỏ nước. Nhưng khi gặp phải với số lượng nhiều hơn, nước có vi khuẩn, virus… thành phần kích ứng hay thức ăn đặc thì có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng.
Khi sặc, trẻ có xu hướng phản xạ hít hơi để khóc to, có thể làm các chất ọc bị hít sâu và khí quản, phế quản và gây khó thở, ngạt thở, tím tái. Nếu phản xạ ho tống đẩy nước, thức ăn ra không được hết thì trẻ dễ bị viêm phế quản, tổn thương các mô ở phổi, nặng hơn là viêm phổi. Viêm phổi cần được điều trị bằng kháng sinh và có thể dẫn tới tử vong trong một số trường hợp.
Ngoài ra, một số biến chứng khác mà trẻ có thể gặp phải bao gồm: mất nước, giảm cân, suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh lý khác.
Do đó, hãy đưa bé tới bác sĩ ngay nếu thấy bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào làm mẹ lo lắng. Bé sẽ cần được xử trí càng sớm càng tốt để ngăn các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
3/ Cách cho bé uống nước không bị sặc
Để bé uống nước không bị sặc, mẹ cần chú ý điều chỉnh thói quen ăn, uống của con sao cho đúng cách hơn. Bằng việc cho bé ngồi hay đứng, tránh ở tư thế nằm và không cười đùa khi đang uống.
Với trẻ lớn gặp khó khăn về nuốt, mẹ nên dạy trẻ tập nuốt. Bằng cách cho bé ngồi ở tư thế thoải mái, choàng khăn ăn trước ngực. Sau đó cho bé nhìn thức ăn chuẩn bị ăn, mẹ miêu tả về món ăn đó để kích thích sự thèm ăn ở bé, kích thích tiết dịch tiêu hoá. Rồi vừa nói, vừa thực hiện các hành động đơn giản như: con há miệng ra nào, nếm thử, ngậm miệng, nhai, dùng lưỡi đưa thức ăn lên trên, sang hai bên, đưa vào trong và nuốt. Mẹ nên cho bé ăn từng thìa thức ăn nhỏ, yêu cầu trẻ nuốt 2 lần và có thể trợ giúp bằng tay nếu bé chưa quen.
Ở một số trẻ, chứng khó nuốt sẽ giảm dần theo thời gian. Nhưng cũng vẫn có những bé cần được quan tâm điều trị để giải quyết nguyên nhân. Do vậy, mẹ nên cho bé đi khám để được kiểm tra cẩn thận, giúp bé ăn uống trở lại bình thường càng sớm càng tốt.
Mẹ hãy làm rõ các nguyên nhân tại sao trẻ uống nước hay bị sặc, theo dõi kỹ các biểu hiện của con để có lựa chọn xử trí sao cho phù hợp. Nếu còn băn khoăn điều gì, mẹ có thể để lại câu hỏi trong phần bình luận hoặc liên hệ trực tiếp tới zalo/ facebook để dược sĩ Buona có thể hỗ trợ nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.childrenshospital.org/conditions/aspiration
- https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/a/aspiration-in-babies-and-children.html
- https://www.childrenscolorado.org/conditions-and-advice/conditions-and-symptoms/conditions/aspiration/