Trẻ bị nóng trong mẩn ngứa là tình trạng về da mà các bé dễ gặp phải, đặc biệt vào các thời điểm nắng nóng. Vậy đâu là nguyên nhân và mẹ cần làm gì trong trường hợp này?
1/ Nguyên nhân trẻ bị nóng trong mẩn ngứa
Trẻ bị nóng trong mẩn ngứa hay phát ban nhiệt có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ gặp hơn cả. Điều này thường xuất phát từ các nguyên nhân như:
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc hay việc phải dùng thuốc trong thờ gian dài khiến gan cần hoạt động nhiều hơn, tăng cường giải độc qua đường mồ hôi
- Trẻ uống quá ít nước
- Trẻ (hoặc mẹ với trẻ đang bú sữa mẹ) ăn nhiều gia vị cay nóng, đồ dầu mỡ
- Ăn ít chất xơ
- Ít vận động
- Da của trẻ sơ sinh còn nhạy cảm và hay có các nếp gấp tại trán, cổ, vai, lưng, vùng tã lót… Khi không được khô thoáng thì các vùng da này dễ bị ẩm, vị trí thuận lợi cho bụi bẩn bám lại và vi khuẩn phát triển, gây ngứa
- Thời tiết nóng làm trẻ tăng tiết mồ hôi
2/ Dấu hiệu trẻ nóng trong mẩn ngứa là gì?
Khi trẻ bị nóng trong mẩn ngứa, bạn sẽ thấy bé:
- Da dẻ hơi khô, sần sùi
- Môi đỏ, căng mọng và hơi khô
- Hơi thở nóng hoặc có mùi hôi
- Bứt rứt, khó chịu
- Có các cụn mụn nhỏ màu đỏ. Có thể nổi lên khắp cơ thể nhưng xuất hiện thường xuyên hơn ở những vùng tiết nhiều mồ hôi như vùng trán, cổ, lưng, các nếp gấp…
- Táo bón
- Nước tiểu vàng, ít nước tiểu
Nóng trong mẩn ngứa còn được chia thành 3 dạng:
- Ban hạt kê: da bé xuất hiện những bọng nước trắng li ti nhưng không bị sưng, tấy đỏ xung quanh và không gây ngứa. Những mụn này thường biến mất sau khoảng vài giờ hay vài ngày sau đó mà không gây hại cho trẻ
- Ban kê đỏ: thường xảy ra lúc thời tiết nắng nóng. Da của bé đỏ lên đồng thời có nhiều bóng nước, gây ngứa rát khó chịu nên trẻ dễ gãi nhiều và thường xuyên quấy khóc. Những bóng nước này có thể mọc đơn lẻ, rời rạc nhưng cũng có khi mọc thành chùm, lấm tấm trên da
- Ban kê sâu (ban kê mủ): hiếm gặp. Xảy ra khi trẻ rôm sảy hay ban kê đỏ nhưng không được chăm sóc đúng cách, tái đi tái lại nhiều lần khiến tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, da bị viêm sâu hơn và dẫn tới nhiễm trùng thứ phát. Ban kê sâu không gây ngứa nhưng khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến kiệt sức
3/ Cần làm gì khi trẻ bị nóng trong mẩn ngứa?
Thông thường, tình trạng mẩn ngứa do nóng trong ở trẻ sẽ cải thiện nhanh chóng khi thời tiết trở nên dịu mát hơn, trẻ ít đổ mồ hôi hơn. Tuy nhiên, vì da của trẻ nhỏ vẫn còn rất nhạy cảm nên ba mẹ vẫn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc để giúp bé cảm thấy dễ chịu và làn da nhanh phục hồi hơn:
- Thường xuyên lau sạch mồ hôi cho trẻ để làm sạch và giảm nhiệt trên da
- Tắm cho bé bằng các sản phẩm lành tính, dịu nhẹ với làn da trẻ em
- Cắt tỉa móng tay cho bé thường xuyên để tránh trẻ gãi làm xước da, gây nhiễm trùng
- Cho trẻ uống đủ nước và ăn thêm nhiều rau xanh (súp lơ xanh, mồng tơi, bí xanh, cải bắp, chuối, kiwi…)
- Ăn những món trái cây giàu vitamin như: cam, bưởi, quýt, táo, đu đủ… để thêm lượng nước cho cơ thể, tăng sức đề kháng, thanh nhiệt giải độc, tốt cho đường tiêu hoá và tăng cường quá trình trao đổi chất
- Ăn bột sắn dây (đã nấu chín): đây là bài thuốc chữa cảm nắng, cảm nóng, nhiệt theo Đông Y. Mẹ còn có thể chế biến sắn dây thành các món như chè sắn dây, chè bắp sắn dây, chè sắn dây đỗ xanh…
- Uống nước dừa: giúp bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể
- Uống nước đậu đen: giúp hỗ trợ các vấn đề tiêu hoá như táo bón, nóng trong. Mẹ có thể rang đậu đen lên, thêm nước và một ít đường rồi để trong ngăn mát tủ lạnh cho bé dùng như một thức uống giải khát
- Rau má: là bài thuốc nam quý có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng giải độc… Mẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn với rau má như nước rau má, nước rau má đậu xanh, canh rau má thịt bằm…
- Nếu trẻ còn đang bú mẹ, mẹ cần tránh ăn các thực phẩm hay gia vị cay nóng trong thời gian này
- Không tự ý bôi phấn rôm hay các loại thuốc dạng kem lên vùng da phát ban nếu chưa có chỉ định của bác sĩ
- Cho trẻ đi khám khi các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện hoặc các vết phát ban ngày càng lan rộng, sưng đỏ, trẻ gãi nhiều, quấy khóc, không hạ sốt…
Nhìn chung, trẻ bị nóng trong mẩn ngứa thường không phải tình trạng nguy hiểm. Nhưng nó có thể làm bé bứt rứt khó chịu, ăn ngủ kém đi. Do đó, hãy quan tâm nhiều hơn tới làn da nhạy cảm của con trong thời gian này mẹ nhé!