Triệu chứng nóng trong người đi cầu ra máu là dấu hiệu của bệnh lý nào mà bạn cần chú ý tới? Đặc biệt khi tình trạng này đã xảy ra một cách thường xuyên? Buona sẽ cùng bạn làm rõ trong bài viết.
1/ Nguyên nhân nóng trong người đi cầu ra máu
Ở mỗi người, tình trạng nóng trong người đi cầu ra máu có thể xảy ra ở các mức độ khác nhau, xuất phát từ các lý do khác nhau. Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn điều trị đúng cách và hiệu quả hơn.
Tình trạng này có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của:
Bệnh trĩ
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn đi ngoài ra máu, nóng trong khó chịu. Do những tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị sưng lên, da giãn ra, mỏng hơn, rách và dẫn tới chảy máu. Khi nâng vật nặng hoặc rặn nhiều (do táo bón đi kèm) càng khiến hiện tượng chảy máu dễ gặp phải hơn.
Bệnh trĩ không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Bên cạnh đi ngoài ra máu, người bệnh hay bị kích thích hoặc ngứa hậu môn (dễ nhầm lẫn với việc nhiễm giun kim), khó chịu và đau rát hậu môn tăng dần theo sự tiến triển của búi trĩ.
Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn thường xảy ra do khối phân lớn, cứng (hay gặp trong táo bón). Vùng mô lót hậu môn xuất hiện vết cắt hay vết rách nhỏ tương tự như những vết da nứt nẻ và dẫn tới chảy máu khi đi ngoài.
Viêm ruột (IBD)
Nếu nóng trong người đi cầu ra máu kéo dài nhiều tuần đi kèm với giảm cân không rõ nguyên nhân thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bênh viêm ruột, bao gồm bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét. Trong đó viêm đại tràng thể loét là lý do phổ biến hơn.
Người bệnh viêm đại tràng thể loét xuát hiện các đợt tiêu chảy có máu với cường độ và thời gian khác nhau xen kẽ với các khoảng thời gian không có triệu chứng. Đồng thời có thể xuất hiện các triệu chứng ngoài ruột như viêm khớp.
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Khi lưu lượng máu tới đại tràng bị giảm, tình trạng thiếu oxy xảy ra, ruột không được cung cấp đủ dưỡng chất. Lâu ngày, tình trạng tổn thương ở ruột có thể xảy ra và khiến người bệnh tiêu chảy ra máu kèm theo các cơn đau bụng. Cơn đau thường nặng hơn khi bạn ăn uống.
Bệnh túi thừa
Túi thừa là những túi nhỏ nhô ra từ thành ruột. Phần lớn chúng là vô hại, nhưng đôi khi chúng có thể bị chảy máu hay nhiễm trùng và khiến bạn nóng trong, đi ngoài ra máu.
Loét dạ dày
Các vết loét xuất hiện ở phần trên của ruột non, nơi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, chảy máu trong đường tiêu hoá và ra ngoài theo phân khiến bạn đi vệ sinh ra máu. Nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn Helicobacter pylori, hay sử dụng kéo dài/ liều cao các loại thuốc chống viêm (aspirin, ibuprofen và naproxen…).
Tổn thương thực quản
Dãn tĩnh mạch thực quản hay rách ống thực quản cũng có thể làm bạn chảy máu, mất máu nghiêm trọng theo phân.
Tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu
Thuốc làm loãng máu (warfarin, aspirin…) có thể làm bạn đi ngoài phân sẫm màu hơn nhưng thường không gây đau đớn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác, hoặc tình trạng kéo dài làm bạn lo lắng.
Nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn hoặc virus (VD: salmonella, shigella, campylobacter, E. coli…) có thể làm bạn tiêu chảy đi phân có máu, nôn, buồn nôn. Bệnh thường kéo dài không quá 2 tuần.
Như vậy, tuy cùng là triệu chứng nóng trong, đi ngoài ra máu nhưng nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều khi sẽ cần thêm các xét nghiệm để khẳng định chính xác. Do đó, bạn hãy đi khám bác sĩ để được kiểm tra chi tiết.
2/ Bị đi cầu ra máu do nóng trong người có nguy hiểm không?
Nóng trong người đi cầu ra máu thường không phải là tình trạng nghiêm trọng. Với nguyên nhân phổ biến là táo bón, nứt kẽ hậu môn, trĩ, có thể dễ dàng điều trị. Nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm hơn.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Đi ngoài ra máu > 3 tuần
- Chảy máu nặng
- Đau nhiều khu vực hậu môn
- Bị đau hoặc có khối u ở dạ dày
- Phân mềm hơn, mỏng hơn hoặc dài hơn bình thường trong 3 tuần
- Chảy máu không rõ nguyên nhân, không phải vì táo bón, tiêu chảy, phân cứng, phân to
- Chảy máu kèm theo sốt, ớn lạnh, ngất, suy nhược hoặc nôn mửa
Nếu thấy một trong những dấu hiệu kể trên, bạn hãy đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng và cần điều trị chuyên biệt như viêm ruột, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, bệnh túi thừa, ung thư đại trực tràng…
3/ Cách điều trị khi đi cầu ra máu
Điều quan trọng trong điều trị đi ngoài ra máu là bạn cần tới khám bác sĩ để được làm rõ nguyên nhân. Bởi mỗi bệnh sẽ cần điều trị theo phương pháp phù hợp riêng.
Bạn nên quan sát các dấu hiệu để chia sẻ với bác sĩ một cách cụ thể nhất. Như tính chất phân sẽ là gợi ý tốt để xác định vị trí chảy máu. Phân đen thường là vét loét hoặc tổn thương ở phần trên của đường tiêu hoá. Phân đỏ tươi hoặc màu hạt dẻ thường là vấn đề ở phần dưới, như trĩ hay viêm túi thừa.
Sau thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân như: rửa dạ dày qua mũi, nội soi thực quản dạ dày tá tràng (EGD), nội soi đại tràng, X-quang bari, chụp động mạch, xét nghiệm phân…
Bạn có thể sẽ cần dùng thêm thuốc kháng sinh để điều trị H. pylori, thuốc ức chế axit dạ dày, thuốc kháng viêm… hay phẫu thuật để loại bỏ polyp, các phần đại tràng bị tổn thương… Nếu chảy máu nhiều, bác sĩ sẽ cần thực hiện thủ thuật để cầm máu.
Nhìn chung, nếu chảy máu do táo bón thì tình trạng thường sẽ tự hết khi táo bón được kiểm soát. Nhưng đối với các vấn đề nghiêm trọng hơn thì việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.
4/ Chế độ ăn dành cho người nóng trong đi cầu ra máu
Đối với những trường hợp chảy máu trực tràng, nóng trong thoáng qua hay ít nghiêm trọng, bạn nên chú ý thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ (ngũ cốc cám, trái cây, rau và bánh mì nguyên hạt); tránh thực phẩm chế biến sẵn: bánh mì trắng, phô mai, xúc xích… đồng thời uống đủ nước để giữ cho phân mềm, giảm táo bón, đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Mặt khác, bạn cũng cần chú ý:
- Tập thể dục thường xuyên để kích thích nhu động ruột, đi vệ sinh dễ dàng hơn
- Luôn đi vệ sinh khi có nhu cầu, tránh việc nín nhịn
- Khi tắm, ngồi trong nước ấm để làm dịu, tạo điều kiện tốt cho các vết nứt hậu môn được phục hồi
- Sử dụng kem bôi trĩ để làm dịu cơn đau
- Sau khi đi vệ sinh, nên lau bằng giấy vệ sinh mềm ẩm hoặc khăn lau trẻ em thay vì giấy vệ sinh khô
Như vậy, nóng trong người đi cầu ra máu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào khác kèm theo, bạn hãy tới khám bác sĩ để được làm rõ nguyên nhân và điều trị theo phương pháp phù hợp riêng.